Kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời để phát triển bền vững

Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời sẽ tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất, tăng nguồn thu cho người dân. Đặc biệt, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam. Tuy nhiên, chủ trương nhất quán của nhà nước ta trong thời gian qua cũng như trong tương lai là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hay nói một cách khác phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mở ra cơ hội cho thị trường điện sạch tại Việt Nam và giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm khi lắp điện mặt trời.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp là mô hình sử dụng đất kết hợp có chủ đích đối với hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), nhằm giảm nhẹ xung đột sử dụng tài nguyên đất và mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn so với ứng dụng đơn lẻ.

Ngoài ra, hệ thống pin mặt trời sẽ tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm tốc độ bốc hơi nước và tiết kiệm được khoảng 14-29% nước tưới cho cây trồng. Do đó, hệ thống pin mặt trời rất thích hợp đối với nhiều loại cây ưa ánh nắng tán xạ.


Mô hình điện mặt trời kết hợp ao nuôi tôm tại Bạc Liêu. (Ảnh: Nguyễn Luận)

Hiện nay, ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bạc Liêu là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước. Đầu tư điện cho nuôi tôm rất tốn kém, do vậy, thời gian gần đây, nhiều mô hình ao nuôi tôm tại Bạc Liêu đã và đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời để đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Điển hình phải kể đến dự án cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6 ha của Công ty Cổ phần Solan Việt Nam ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) được phủ kín bởi những tấm pin năng lượng mặt trời.

Anh Vũ Văn Thành – người trực tiếp quản lý dự án trên cho biết: “Để lắp điện mặt trời cho 1 ha ao nuôi tôm tốn khoảng 13 tỉ đồng, với giá bán điện hiện nay tính cả chi phí quản lý thì mất khoảng 5,5 – 6 năm sẽ thu hồi vốn đầu tư”. Như vậy, việc lắp tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ đảm bảo năng lượng điện cho ao nuôi tôm mà còn có thể bán điện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho mô hình. 

Là một tỉnh thuần nông với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, Hậu Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời cũng được xác định là thế mạnh của tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái là mô hình phù hợp với tỉnh Hậu Giang. Hệ thống điện mặt trời có thể đấu nối vào đường dây 22 kV có ở khắp mọi nơi, vừa giúp giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương”.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Nguyễn Luận)

Điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lợi ích kép. Theo đó, với diện tích đất bình quân 1,2 ha có thể đầu tư 1 MWp trên nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, nuôi bò cao sản, gà, heo, dế…

Chia sẻ về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toàn cho biết: "Mục tiêu từ năm 2020 đến 2025, hệ thống điện mặt trời áp mái phải phát triển rộng rãi trên mái nhà từ hộ gia đình, nhà xưởng đến trang trại, phấn đấu đạt ít nhất 120 MW trên toàn tỉnh”.

Có thể thấy, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất mà còn tạo cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập, tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

Để phát triển rộng rãi mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái không phải điều dễ dàng, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt, tuy nhiên, sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy về môi trường, bệnh tật... Do đó, cần phải có chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Nguyễn Luận

https://kinhtemoitruong.vn/ket-hop-san-xuat-nong-nghiep-voi-dien-mat-troi-de-phat-trien-ben-vung-57874.html