Nhằm giới thiệu các kết quả nghiên cứu đánh giá về kỹ thuật, kinh tế - xã hội và pháp lý trong việc triển khai cơ chế đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, chiều 11/1, Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE - tổ chức nghiên cứu độc lập), tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cơ chế đấu thầu phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo".
Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Theo bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam, thời gian qua, nhờ thông qua các cơ chế khuyến khích được Chính phủ ban hành đã tạo động lực thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió đã mở ra xu hướng mới trong đầu tư phát triển nguồn điện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Nhiên, chính sách này chưa có lộ trình xuyên suốt, liên tục, điều này làm giảm cam kết của các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án theo quy hoạch. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai, Chính phủ cần sớm triển khai cơ chế đấu thầu giá bán điện năng lượng tái tạo. Trên thực tế, cơ chế này đã được áp dụng, triển khai trên 60 quốc gia, mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí và minh bạch. Áp dụng cơ chế đấu giá cũng đạt được các mục tiêu phát triển khác như: Tạo việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ công nghệ và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...
Đánh giá kỹ thuật một số vùng tiềm năng và đề xuất thí điểm cơ chế đấu thầu phát triển các dự án phát triển nguồn điện, đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Chuyên gia hệ thống điện, VIETSE cho biết, hiện có 50 tỉnh đã trình Bộ Công Thương đề nghị đưa tổng công suất 550.000 MW điện các loại vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, 129.000 MW điện gió ngoài khơi, 106.000 MW điện gió trên bờ; 140.000 MW điện khí tự nhiên hóa lỏng, 118.000 MW điện mặt trời quy mô trang trại… Các dự án năng lượng tái tạo không giống như các dự án đầu tư thông thường vì không chỉ liên quan đến đất đai mà còn về tài nguyên thiên nhiên (năng lượng mặt trời, gió…), mặc dù những tài nguyên này là tự nhiên, nhưng không phải là vô hạn, nhất là khi tính đến các yếu tố khác như: Yêu cầu sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, bảo vệ rừng và biển, quốc phòng, an ninh.
Do đó, thời gian tới, các tỉnh cần có một cơ chế cạnh tranh công bằng và minh bạch để sử dụng và có kế hoạch phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên này theo trình tự, cách thức có lợi nhất cho toàn bộ nền kinh tế, từ ngắn hạn đến dài hạn. Cụ thể, đấu thầu mua điện, đấu giá điện; đấu giá theo khu vực thực hiện các dự án điện mặt trời và điện gió; các thủ tục liên quan đến lập và phê duyệt dự án đầu tư phải tuân theo các quy định hiện hành; quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020…
Để đảm bảo tính khả thi về kinh tế và lợi ích khi triển khai các dự án phát triển nguồn điện, Tiến sỹ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Công ty Economica kiến nghị, các địa phương cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, quy chế đấu thầu giá bán; xây dựng các tiêu chí hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu, chào hàng, phương pháp xác định, đánh giá và lựa chọn nhà đầu tư, hài hòa lợi ích quốc gia và địa phương.
Đồng thời, các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất và các kế hoạch khác, có thể hỗ trợ mời thầu cho cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư; xây dựng lộ trình áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá điện theo cơ chế phù hợp hơn. Cùng với đó, ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước (UBND tỉnh, Bộ Công Thương, EVN) và các cấp có thẩm quyền thẩm định, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành năng lượng để cơ quan nhà nước có thể căn cứ lập hồ sơ mời thầu…
Tại Tọa đàm, các chuyên gia năng lượng, nhà phân tích kinh tế, luật sư đã thảo luận đa chiều về cơ chế đấu giá bán điện năng lượng tái tạo, cũng như các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng, hướng đến thực thi cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.
Lý Thanh Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/hoan-thien-co-che-dau-thau-phat-trien-ben-vung-thi-truong-dien-nang-luong-tai-tao-20220111211019507.htm