Báo CAND đã có bài viết phản ảnh những bất cập tại các dự án năng lượng tái tạo ở tỉnh Phú Yên. Thực tế, công tác điều tiết phát điện và vận hành liên hồ chứa ở Phú Yên còn có một số bất cập nên 5 năm gần đây vẫn còn tình trạng ngập lụt trên diện rộng ở vùng hạ du sông Ba do các thủy điện đầu nguồn xả lũ vào mùa mưa; nhưng đến mùa khô lại thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Cùng với đó, không ít dự án điện mặt trời (ĐMT) tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, thậm chí có nơi chưa tương xứng với tiềm năng; thực trạng phát triển “nóng” các dự án ĐMT trong năm 2020 - 2021 ở Phú Yên đã gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là quá tải đối với hạ tầng lưới điện ở Phú Yên.
Các dự án ĐMT phát sinh số lượng lớn rác thải công nghiệp từ những tấm pin quang điện chưa được xử lý theo quy định, dự báo sẽ gây áp lực cho hệ thống xử lý rác thải công nghiệp trên địa bàn Phú Yên sau 15-20 năm nữa, số lượng lớn tấm pin thải ra nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân.
Mặt khác, theo quy định mỗi dự án phải xây dựng một hệ thống truyền tải điện riêng, trong khi đó tại một số vùng có tiềm năng về điện gió, ĐMT có nhiều dự án gần kề bên nhau gây ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông, đô thị và gây lãng phí trong sử dụng đất đai, kinh phí đầu tư xây dựng; việc đề xuất bổ sung quy hoạch điện gió rời rạc theo kiểu “da beo” gây khó khăn trong quy hoạch phát triển du lịch, công - nông nghiệp và một số lĩnh vực khác...
Sau khi báo đăng, ông Trần Hữu Thế – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có liên quan triển khai thực hiện một số biện pháp giải quyết bất cập như báo nêu.
Cụ thể, giao cho Sở Công thương yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện vận hành theo đúng quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt, đảm bảo cấp nước cho hạ du mùa khô, an toàn công trình và hạn chế vùng ngập ở hạ du khi có mưa lũ. Đồng thời, Sở Công thương chủ trì phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) theo đúng quy hoạch được duyệt, đảm bảo năng lực truyền tải công suất của lưới điện và hiệu quả đầu tư dự án.
Sở Kế hoạch – Đầu tư hướng dẫn các nhà đầu tư dự án NLTT thực hiện các thủ tục đầu tư đúng pháp luật, đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất các nhà đầu tư dự án ĐMT đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; nâng cao trách nhiệm thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định nội dung sử dụng đất, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu tại các dự án NLTT.
Để tránh tình trạng biến tướng, núp bóng trang trai nông nghiệp đầu tư “chui” ĐMT, UBND tỉnh Phú Yên còn giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các dự án trang trại nông nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương xử lý vi phạm trong xây dựng đối với việc đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà...
Theo Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên, ngoài 13 dự án NLTT với tổng công suất 824,3MW và 2 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai đầu tư có công suất 249,5MW, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn có hơn 1.150 hệ thống ĐMT mái nhà của các tổ chức, cá nhân đầu tư vận hành thương mại. Đặc biệt, Phú Yên có 6 dự án thủy điện đang hoạt động, trong đó có 3 dự án thủy điện lớn là Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông HNăng thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Ba.
Hữu Toàn/ Báo Công An Nhân Dân
Nguồn: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/giai-quyet-bat-cap-tai-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-o-phu-yen-i669961/