Doanh nghiệp Nhật Bản lạc quan về kinh doanh công nghệ hydro tại Đức

Chính sách mới về biến đổi khí hậu của chính phủ Đức đang khiến các công ty Nhật Bản dấy lên hy vọng về cơ hội kinh doanh để phát triển các công nghệ liên quan đến hydro ở quốc gia này.

Chính phủ Đức có kế hoạch nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 80% nhu cầu điện của đất nước vào năm 2030. Ảnh minh họa: Reuters

Được thành lập vào tháng trước, liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) đứng đầu đã đưa ra chính sách biến các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí tự nhiên mới có thể chuyển đổi thành các nhà máy điện chạy bằng hydro, không thải ra CO2.
Cũng trong tháng 12/2021, nhà cung cấp điện lớn của Đức RWE AG và Công ty Công nghiệp nặng Kawasaki của Nhật Bản đã công bố một dự án sản xuất điện hydro thử nghiệm sử dụng tua-bin khí của Kawasaki Heavy, có công suất tiềm năng đạt khoảng 30 MW.

Dự án này dự kiến sẽ được khởi công ở bang Lower Saxony, phía Tây Bắc nước Đức, vào đầu năm 2024. Một quan chức Kawasaki Heavy cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng rằng hydro sẽ thu hút sự chú ý ngày càng lớn ở Mỹ và Trung Đông, giúp hoạt động kinh doanh của chúng tôi mở rộng”.

Trong khi đó, công ty Mitsubishi Heavy Industries Ltd. của Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh hydro tại Đức. Công ty đang tham gia vào một dự án nghiên cứu chung ở thành phố Hamburg, phía Bắc nước Đức, với một công ty xây dựng công ích địa phương và các công ty châu Âu để sản xuất hydro bằng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời, nhằm bắt đầu sản xuất hydro vào khoảng năm 2025, giúp cung cấp loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này cho các ngành công nghiệp khác nhau.

Chính phủ Đức có kế hoạch nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 80% nhu cầu điện của đất nước vào năm 2030, một mục tiêu tham vọng hơn so với mức tương ứng 65% mà chính quyền cựu Thủ tướng Angela Merkel đã đề xuất trước đó.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng có kế hoạch xóa bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá vào năm 2030, sớm hơn 8 năm so với kế hoạch trước đây./.

https://bnews.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-lac-quan-ve-kinh-doanh-cong-nghe-hydro-tai-duc/227756.html