Ngày 2/6, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 được công bố tại Hà Nội. Báo cáo được Cục Năng lượng Đan Mạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương của Việt Nam) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội hợp tác biên soạn. Đây là lần xuất bản thứ ba của báo cáo này tiếp theo hai ấn phẩm trước được xuất bản vào năm 2017 và 2019.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và dân số, nhu cầu năng lượng trong tương lai của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng. Điều này đòi hỏi hệ thống năng lượng của Việt Nam cần phát triển nhanh chóng và dẫn đến rất nhiều thách thức được đề cập trong các chủ đề của Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021: chi phí hệ thống năng lượng/mức chi phí năng lượng phải chăng; sự cần thiết của việc nâng cao năng lực truyền tải điện, sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, ô nhiễm không khí.
Báo cáo đưa ra 8 phát hiện và khuyến nghị chính như sau:
Thứ nhất, hoàn toàn khả thi để có được một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng không với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách. Cần hành động sớm để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035 nhằm tránh chi phí quá cao.
Phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo góp phần đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050
Thứ hai, để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch một các trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).
Thứ ba, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng không, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050. Chi phí hệ thống điện sẽ dịch chuyển theo hướng giảm chi phí nhiên liệu và tăng chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030 trong tất cả các kịch bản và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Do đó, việc tiếp cận được với các giải pháp tài chính có chi phí thấp là tối cần thiết.
Thứ tư, Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Thứ năm, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ sau năm 2030 pin lưu trữ năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Pin lưu trữ hiện nay vẫn có chi phí đắt đỏ và chưa cần thiết tại Việt Nam trong giai đoạn ngắn hạn do các nhà máy thủy điện và nhiệt điện đang vận hành có thể cung cấp dịch vụ cân bằng cho hệ thống điện.
Trong 10 năm tới, việc củng cố công suất truyền tải là thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc. Phân tích cho thấy chi phí truyền tải thực tế không quá tốn kém. Tăng cường công suất truyền tải trước sau cũng là việc cần phải làm và do đây là công nghệ đã chín muồi nên cần được lựa chọn đầu tiên. Hệ thống pin lưu trữ năng lượng có thể chờ sau.
Việc củng cố công suất truyền tải là thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc
Thứ sáu, điện hạt nhân chỉ hiệu quả về chi phí nếu việc triển khai điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời bị hạn chế đáng kể. Phân tích cho thấy rằng các công nghệ điện hạt nhân hiện tại không cạnh tranh về chi phí so với việc áp dụng kết hợp nguồn điện mặt trời, điện gió, công nghệ lưu trữ và truyền tải. Chỉ khi những công nghệ này không được khai thác tối đa, ví dụ do những hạn chế về đất đai, thì điện hạt nhân mới có thể cạnh tranh khi hướng tới phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Ví dụ, nếu chỉ một nửa trong số diện tích đất 11.000 km2 được dành cho điện mặt trời ở kịch bản NZ thì sẽ cần 35 GW điện hạt nhân.
Thứ bảy, cần sớm hành động chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép bao gồm giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Điện khí hóa trực tiếp đóng vai trò chủ chốt với khoảng 80% nhu cầu vận tải hành khách và 50% nhu cầu vận tải hàng hóa cần được điện khí hóa vào năm 2050. Việt Nam cần bắt đầu loại bỏ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2025, chuyển dần sang các phương thức vận tải công cộng, đồng thời chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt chạy điện.
Thứ tám, hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng không sẽ giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng cao trong thập kỷ tới.
Dự kiến đến 2050, tỉ trọng nhiên liệu nhập khẩu có thể lên đến 70% tổng cung năng lượng trong kịch bản cơ sở, tương đương với chi phí 53 tỷ USD. Giảm nhập khẩu nhiên liệu hướng tới mức phát thải ròng bằng không đồng nghĩa với việc hệ thống năng lượng cũng sẽ giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá nhiên liệu. Phân tích cho thấy, khi giá LNG tăng 20% sẽ dẫn đến giảm 50% nhu cầu LNG của ngành điện. Nhu cầu sử dụng LNG thậm chí còn thấp hơn mức này nếu giá LNG tăng cao hơn nữa.
Cẩm Hạnh
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/De-xuat-kich-ban-phat-trien-de-Viet-Nam-dat-muc-tieu-giam-phat-thai-6-8-16694