Ngày 30/8, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam” tại TPHCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW (tăng gần 7.500 MW so với năm 2020). Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, việc cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ qua.
Tỉ trọng nguồn năng lượng sạch càng cao sẽ tác động rất lớn đến việc đảm bảo mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050
Theo ước tính, hiện nay ngành năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon (CO2) toàn quốc. Do đó, tỉ trọng nguồn năng lượng sạch càng cao sẽ tác động rất lớn đến việc đảm bảo mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Hiện tại, tỉ trọng các nguồn điện sạch (bao gồm thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện gió đạt 16.100 MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau.
Về điện khí LNG, đến nay có 14 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến trong Quy hoạch điện VIII (tổng công suất 23.900 MW). Ngoài ra có hơn 25 dự án điện khí LNG đang được các địa phương và nhà đầu tư đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất hơn 115.000 MW.
Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, việc xác định các cơ chế (kể cả cơ chế tài chính) và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng nguồn và lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng đang là những nội dung cần được quan tâm nhiều trong thời gian tới. Cùng với đó là các khó khăn khác liên quan đến cơ chế chính sách, về thủ tục quy hoạch, đầu tư, về lưới điện giải tỏa công suất, về cơ chế huy động vốn, về giải phóng mặt bằng...
Cần sớm ban hành các quy định phù hợp để các dự án năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng phát triển bền vững trong thời gian tới
Ông Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực điện khí, điện gió, điện mặt trời chia sẻ, nêu những yếu tố thuận lợi về định hướng chính sách của Nhà nước. Đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong quá trình triển khai dự án, qua đó đề xuất những kiến nghị về chính sách cụ thể để phát triển các dự án nguồn điện khí, điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề về đầu tư năng lượng tái tạo và điện khí như khả năng hoàn thành, mức độ rủi ro tài chính của các dự án, đề xuất về chính sách và khả năng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo theo hướng phát triển bền vững; giải pháp về công nghệ điện mặt trời, điện gió (nhất là công nghệ về inverter, turbine...) để giảm tác động xấu đến vận hành hệ thống điện khi đấu nối tích hợp tỉ lệ cao; nghiên cứu cơ hội và khả năng huy động vốn. Chính sách cho vay vốn với các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và điều kiện cho các chủ đầu tư vay vốn để phát triển dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí; cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA. Cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, điện khí và chính sách lưu ý về quy hoạch, kế hoạch triển khai danh mục các dự án…
Những đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại hội thảo là cơ sở để Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phản ánh tới các cấp quản lý xem xét, sớm ban hành các quy định phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế. Qua đó tạo điều kiện cho các dự án năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng phát triển bền vững.
Tùng Lâm
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/De-xuat-chinh-sach-phat-trien-cac-du-an-dien-gio-dien-mat-troi-va-dien-khi-6-8-17773