Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030

Bộ Công Thương vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Bộ Công Thương, hệ thống điện Việt Nam có quy mô đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới.

Theo Bộ Công thương, các nguồn nhiệt điện (than, khí) chỉ thực hiện được 63%, thủy điện chỉ đạt 61%

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các quyết định bổ sung, công suất nguồn điện quy hoạch cho giai đoạn 2016-2030 là 109.090 MW, trong đó các năm 2016-2020 là 35.470 MW, 2021-2025 là 45.030 MW, 2026-2030 là 28.590 MW.

Tuy nhiên, tổng công suất đã đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 28.377 MW (80% quy hoạch). Thực tế, các nguồn nhiệt điện (than, khí) chỉ thực hiện được 63%, thủy điện chỉ đạt 61%. Nhiều nhà máy khu vực miền Bắc chậm tiến độ nên đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn điện trong một số thời điểm.

Bộ Công Thương đánh giá: Việc phát triển nguồn điện trong những năm gần đây chưa phù hợp với phân bố và phát triển phụ tải, làm mất cân bằng cung - cầu từng miền và gây sức ép lên truyền tải từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Do nhiều dự án nhiệt điện than miền Bắc chậm triển khai (tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 33,9% quy hoạch), số dự án điện mặt trời được phát triển chủ yếu tại miền Trung, miền Nam nên miền Bắc không tự cân đối được nguồn điện, miền Trung, miền Nam dư thừa nguồn.

Đáng chú ý, là cơ quan soạn thảo nhiều chính sách điện mặt trời suốt các năm qua, song tại Tờ trình này, Bộ Công Thương cũng phải đánh giá điện gió, mặt trời phát triển quá nhanh trong thời gian ngắn (tập trung ở miền Trung, miền Nam), khiến việc xây dựng lưới điện giải tỏa công suất không kịp. Tỷ trọng cao (24,3% tổng công suất, 44% công suất tiêu thụ) của các nguồn điện gió, điện mặt trời đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện, ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí.

Đây cũng là những lý do khiến dự thảo Quy hoạch điện 8 đưa ra nhiều nội dung rất mới để khắc phục lại những vấn đề nêu trên. Trong đó, thay đổi đáng kể nhất là giảm điện than, tăng điện khí.

Bộ Công Thương dự báo công suất cực đại năm 2025 đạt khoảng 59.389-61.357 MW; năm 2030 khoảng 86.493-93.343 MW; năm 2035 khoảng 113.952-128.791 MW; năm 2040 khoảng 135.596-162.904 MW và năm 2045 khoảng 153.271-189.917 MW.

Tương ứng với công suất tiêu thụ đó, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102.590-105.265 MW. Trong đó: thủy điện đạt 25.323 MW chiếm tỷ lệ 24,1-24,7%; nhiệt điện than 29.679 MW, chiếm tỷ lệ 28,2-28,9%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 14.117 MW, chiếm tỷ lệ 13,4-13,7%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,... ) 29.618-31.418 MW, chiếm tỷ lệ 28,9-29,8%; nhập khẩu điện 3.853-4.728 MW chiếm tỷ lệ 3,7-4,5%.

Như vậy, các nguồn điện đã có sự cân đối hơn. Nhiệt điện than giảm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống nguồn điện so với hiện nay, còn năng lượng tái tạo có sự chững lại, trong khi đó nhiệt điện khí tăng lên.

Nhiệt điện than đến năm 2030 là 40.899 MW, chiếm tỷ lệ 28,4-31,4%. Còn nhiệt điện khí năm 2030 tăng rất mạnh, công suất lên đến 27.471-32.271 MW chiếm tỷ lệ 21,1-22,4%.

Đáng chú ý, đến năm 2045 tỷ trọng nhiệt điện than giảm xuống, chỉ chiếm tỷ lệ 15,4-19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) tiếp tục tăng lên, chiếm tỷ lệ 23,5-26,9%.

Như vậy, dự thảo quy hoạch điện 8 thực sự đang giảm mạnh nhiệt điện than trong hệ thống điện, không phải như một số ý kiến cho rằng quy hoạch điện 8 tăng điện than. Song, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ không tăng mạnh trong giai đoạn từ nay đến 2030.

PV

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/De-an-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030--6-165-13041