Tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” diễn ra vào ngày 8/12 nhằm tạo diễn đàn thảo luận và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện gió.
Với chiến lược khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ, những năm gần đây, làn sóng đầu tư các dự án điện gió đã thực sự bùng nổ với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.
Tính đến hiện tại, cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655 MW, đã có hồ sơ đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).
Tuy nhiên, tính đến ngày 1/11 vừa qua mới chỉ có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 3.298 MW được công nhận COD. 37 nhà máy điện gió còn lại trong danh sách chưa được công nhận COD đến thời điểm đó, hiện vẫn tiếp tục tiến trình hoàn thiện xây dựng, lắp đặt và tiến tới được thẩm định để đóng điện, hòa lưới điện. Tuy nhiên, việc áp dụng giá mua điện như thế nào với các dự án nói trên cùng với những dự án điện gió sẽ được hình thành trong thời gian tới hiện chưa được xác định.
Ngày 1/11 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng dần từng năm và sẽ bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí metan…
Cam kết mạnh mẽ này của chính phủ với cộng đồng quốc tế sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức to lớn. Cơ hội lớn mở ra đó chính là làn sóng đầu tư mới của quốc tế và trong nước sẽ đổ vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trong đó điện gió được dự báo sẽ là lĩnh vực hấp dẫn. Nhưng bên cạnh đó thì những thách thức phải đối mặt cũng là không nhỏ khi mà hàng loạt các dự án năng lượng hóa thạch… sẽ phải giảm xuống, thậm chí là tiến tới dừng triển khai thêm. Đây là những bài toán lớn của ngành năng lượng nước nhà hiện nay và trong thời gian tới, đòi hỏi phải có các chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp.
Trước thực tế này, tạp chí TheLEADER tổ chức tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn; đưa ra những kiến nghị tới cơ quan chức năng về khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư điện gió trên địa bàn cả nước. Từ đó góp phần thúc đẩy cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực điện gió.
Thúc đẩy cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực điện gió
Các nhóm vấn đề chính được thảo luận tại tọa đàm gồm: Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mở ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Bài toán quản lý nhà nước, đầu tư kinh doanh các dự án điện gió trong bối cảnh đối mặt nhiều rủi ro: đại dịch Covid-19, đảm bảo tiến độ vận hành, giải phóng mặt bằng, bị tiết giảm công suất theo yêu cầu từ A0, giá mua điện sau 31/10/2021, cơ chế giá điện cạnh tranh trong thời gian tới, vận hành dự án, truyền tải điện và phân phối. Đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam với nhiều tiềm năng, sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, để bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo của điện gió chúng ta cần có sự chuẩn bị. Thứ nhất là chúng ta phải có chuỗi cung ứng. Thứ hai là các cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, chúng ta phải có một cơ chế hỗ trợ mang tính chất bền vững, ít thay đổi, với những mục tiêu rõ ràng. Đặc biệt cần phải hoàn thiện cơ chế chia sẻ rủi ro để đảm bảo có thể đẩy mạnh được đầu tư tư nhân trong vấn đề phát triển điện gió.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng từ Tập đoàn T&T Group chia sẻ: Điện gió ngoài khơi có hệ số công suất cao (45 – 55%), tương đương Tmax nhiệt điện khí/than. Sản lượng đầu ra ổn định theo thời gian – có thể chạy nền. Gam công suất/tuabin ngày càng lớn, chi phí theo xu hướng giảm dần dựa vào công nghệ. Quy mô dự án lớn (có thể lên đến 500MW – 1 GW/dự án), ít bị hạn chế về diện tích sử dụng trên mặt đất. Nó có thể là cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp công nghệ cao mới trong nước; cơ hội hình thành, phát triển khu/ngành công nghệ phù trợ năng lượng tái tạo...
Theo ông Nguyễn Đức Cường, tốc độ gió ở khu vực biển miền Trung khoảng 10m/s, trong khi đó ở khu vực biển Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long chỉ 8m/s do đó cần có biểu giá điện gió theo nhiều mức, phù hợp với điều kiện từng khu vực thì chúng ta mới có thể đáp ứng được định hướng tối đa hóa cung cấp điện nội vùng, giảm truyền tải đi xa.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng thời gian tới, các cơ quan quản lý cần xây dựng được các cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển điện gió: tạo điều kiện cho các dự án được triển khai một cách thuận lợi; cơ chế về giá phù hợp đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người tiêu dùng...
An Vinh
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Dau-tu-dien-gio-trong-boi-canh-moi-6-164-14294