Với quyết tâm chính trị cao, khát vọng vươn lên, Đắk Nông đã xác định 5 quan điểm, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực để sớm đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.
Một góc thành phố Gia Nghĩa, trung tâm chính trị-hành chính tỉnh Đắk Nông.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã cơ bản xác định được lợi thế cạnh tranh, định hướng phát triển với ba trụ cột "đòn bẩy" để sớm đưa nền kinh tế địa phương phát triển bứt phá, bền vững.
Ba trụ cột "đòn bẩy" của nền kinh tế
Ba trụ cột "đòn bẩy" đó là, phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa-đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Đặc biệt, từ điều kiện về đất đai, khí hậu, thời tiết thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn, những năm qua, Đắk Nông chủ động cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi giá trị, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bước đầu định hướng hình thành được năm vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và hơn 69.500 ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Thông qua quá trình trồng thử nghiệm, tỉnh từng bước xác định lợi thế phát triển cà-phê, hồ tiêu, bơ, đặc biệt là mắc ca (đã phát triển hơn 1.500 ha). Bên cạnh đó, tỉnh định hướng chế biến sâu nông, lâm sản; tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Với hệ thống sông suối có độ dốc lớn, tổng số giờ nắng và chỉ số bức xạ mặt trời cao, tốc độ gió trung bình hằng năm lớn, là những lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, Đắk Nông đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư phát triển thủy điện có chọn lọc, thu hút và định hướng phát triển điện mặt trời, điện gió.
Trong lĩnh vực kinh tế du lịch, Đắk Nông đã xác định đúng hướng tiếp cận để khai thác, phát triển du lịch bền vững trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, đặc trưng văn hóa, đặc biệt sau khi các nhà khoa học phát hiện hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông. Đến cuối năm 2020, Công viên địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận, gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đã tạo điểm nhấn mới, là tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh phát triển.
Lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước giai đoạn 2022-2025.
Vẫn còn nhiều thách thức
Đắk Nông đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh trung bình khá, năm 2030 trở thành tỉnh phát triển năng động và bền vững, năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, trong điều kiện vừa thoát ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, chưa phát triển; nguồn lực hạn chế về nhiều mặt thì đây thật sự là một thách thức lớn. Đến năm 2020, Đắk Nông vẫn là "vùng trũng" về thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; một số điểm nghẽn, vấn đề nội tại của quá trình phát triển như: kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng thu hút nguồn nhân lực,… chưa có tín hiệu "xanh".
Trên cơ sở nhận thức tiềm năng, lợi thế và thách thức trong tương quan so sánh vùng Tây Nguyên, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 12 đã xác định bên cạnh triển khai thật tốt việc quán triệt, nghiên cứu, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết; trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy yêu cầu phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó cần phải thực hiện tốt các khâu đột phá trên 3 lĩnh vực đó là: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là huy động, sử dụng hiệu quả tất cả mọi nguồn lực trên tinh thần "nội lực làm nền tảng, nguồn lực bên ngoài là quan trọng"; khơi dậy, phát huy, nguồn lực, tiềm năng, nhất là nguồn lực trong nhân dân để trở thành động lực nội tại cho quá trình phát triển; phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; thu hút, kêu gọi một số doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh để giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu trong phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể để thực hiện hiệu quả ba trụ cột phát triển của nền kinh tế địa phương.
Để có được bước phát triển mới, thực hiện được những đột phá chiến lược, trong nhiệm kỳ mới đặt ra yêu cầu là nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, chính sách và lãnh đạo tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng các cấp theo hướng nắm vững, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt sát với thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh việc phát huy nội lực, quá trình phát triển Đắk Nông rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương. Ghi nhận những kiến nghị đó, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt tỉnh Đắk Nông có năm dự án tại danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, giai đoạn 2021-2025. Đây là những yếu tố rất quan trọng để thực hiện các khâu đột phá, góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Đắk Nông nhanh và bền vững.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG và KHÔI NGUYÊN
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/dak-nong-tao-dot-pha-de-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-689199/