Khí thải phát ra từ một nhà máy điện than ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, ông Mohieldin nhấn mạnh Hội nghị COP27, diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh ở Biển Đỏ của Ai Cập từ ngày 6-18/11, là động lực mạnh mẽ và cơ hội hứa hẹn để đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và phi carbon. Ông nêu bật sự cần thiết phải duy trì động lực trong các lĩnh vực đang chứng kiến sự tiến bộ, bên cạnh việc hỗ trợ các lĩnh vực khác chưa được chú ý đến nhiều.
Ông Mohieldin, đồng thời là Đặc phái viên của LHQ về tài chính cho chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, cũng kêu gọi sự cần thiết phải thúc đẩy hành động về khí hậu dựa trên Thỏa thuận Paris với cách tiếp cận tổng thể giải quyết bốn khía cạnh bao gồm giảm thiểu, thích ứng, tổn thất và thiệt hại và tài chính khí hậu.
Về vấn đề thích ứng, ông lưu ý rằng có thể làm tốt hơn việc huy động tài trợ khí hậu từ các khu vực công và tư nhân cũng như các nguồn lực trong và ngoài nước. Theo ông, điều này chỉ có thể đạt được nếu thế giới nhận ra rằng phương pháp tiếp cận giảm thiểu được áp dụng trong quá khứ đã không còn phù hợp nữa. Ông cho biết thêm thế giới cần tham gia hành động vì khí hậu gắn với phát triển bền vững, có tính đến các cuộc khủng hoảng đang diễn ra như cuộc xung đột tại tại Ukraine và đại dịch COVID-19.
Về vấn đề tài trợ khí hậu, ông Mohieldin đề cập đến thành công của COP26 diễn ra năm ngoái ở Glasgow là dự án tài trợ 8,5 tỷ USD cho Nam Phi để giúp quốc gia này loại bỏ dần than đá bằng năng lượng tái tạo. Ông nói thêm rằng một số tiến bộ có thể đạt được nếu các dự án như trên được nhân lên với nhiều cam kết hơn. Ông cũng nhận định rằng thành công của Hội nghị COP27 sẽ được thể hiện ở cách biến các cam kết thành hành động.
Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ai Cập đã nhiều lần tái khẳng định mong muốn sẽ biến các cam kết về khí hậu thành thành những hành động trên thực tế xuyên suốt chương trình nghị sự của Hội nghị COP27 với chủ đề "Cùng nhau hành động". Quốc gia Bắc Phi này cũng tuyên bố sẽ nói lên nguyện vọng về khí hậu của châu Phi và thúc đẩy các quốc gia thực hiện các cam kết tài chính khí hậu của mình.
Tầm nhìn của Ai Cập nhằm thúc đẩy hành động vì khí hậu tại COP27 liên quan đến sự hợp tác giữa các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác để tập trung vào các vấn đề thích ứng, giảm thiểu, tổn thất và thiệt hại và tài chính khí hậu.
Hội nghị COP27 sẽ có sự tham gia của trên 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác từ gần 200 nước, con số cao nhất từ trước đến nay của một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Ngoài ra, trên 3.000 nhà báo và các chuyên gia truyền thông từ khắp nơi trên thế giới cũng đã có mặt tại Sharm El-Sheikh để đưa tin về sự kiện quan trọng này.
Nguyễn Tùng (TTXVN)/ baotintuc.vn
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/dac-phai-vien-lhq-cop27-la-co-hoi-tot-de-thuc-day-hanh-dong-khi-hau-20221106062800185.htm