Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo Việt Nam có thể đạt hơn 1.000 tỷ kW

Ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, Việt Nam có thể đạt hơn có 1,2 terawatt (khoảng 1.000 tỷ kW - PV) năng lượng tái tạo - gấp 15 lần công suất lắp đặt hiện tại.

 

Ông Peter Lundberg, Giám đốc Hiệp hội Năng lượng Đô thị Châu Á Thái Bình Dương (APUEA) cho rằng Việt Nam sở hữu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Ảnh: BTC.

 

Việt Nam có thể sản xuất hơn 1.000 kW năng lượng tái tạo
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm Electric & Power Vietnam 2024, kết hợp cùng Triển lãm HVACR Vietnam 2024, ông Peter Lundberg, Giám đốc Hiệp hội Năng lượng Đô thị Châu Á Thái Bình Dương (APUEA) cho biết, Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường quan trọng trên hành trình năng lượng. Cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức kép là đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, song cũng phải giải quyết nhu cầu cấp thiết là giảm phát thải carbon.

"Để ứng phó với những thách thức này, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là trọng trách lớn lao song cần thiết, khi tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam là rất lớn. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, Việt Nam ước tính có 1,2 terawatt tiềm năng năng lượng tái tạo, gấp 15 lần công suất lắp đặt hiện tại.

"Để ứng phó với những thách thức này, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là trọng trách lớn lao song cần thiết, khi tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam là rất lớn. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, Việt Nam ước tính có 1,2 terawatt tiềm năng năng lượng tái tạo, gấp 15 lần công suất lắp đặt hiện tại.

Hãy tưởng tượng những khả năng nếu chúng ta có thể khai thác được một phần nhỏ con số này. Ví dụ, chỉ cần khai thác 10% nguồn năng lượng quang điện mặt trời của chúng ta có thể đáp ứng toàn bộ công suất sản xuất điện quốc gia là 80 gigawatt. Đây không chỉ là những con số; chúng đại diện cho tương lai của năng lượng tại Việt Nam - một tương lai mà các nguồn năng lượng sạch, tái tạo cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình, khu công nghiệp và thành phố", ông Peter Lundberg cho biết.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là về năng lượng tái tạo. Nó còn là về việc sử dụng năng lượng thông minh hơn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã chỉ ra rằng hiệu quả năng lượng cũng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi này như sự phát triển của năng lượng tái tạo. Bằng cách áp dụng các công nghệ và thực hành tiết kiệm năng lượng, chúng ta có thể giảm nhu cầu năng lượng chung, giảm chi phí và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Theo đại diện APUEA, triển lãm HVACR và Electric & Power Vietnam 2024 mang đến cơ hội độc đáo để đi sâu vào những vấn đề quan trọng này. Trong suốt sự kiện này, bạn sẽ được lắng nghe các chuyên gia hàng đầu trình bày về các công nghệ tiên tiến và các giải pháp sáng tạo có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu năng lượng của mình. Đây không chỉ là về các ý tưởng mà là về các chiến lược khả thi có thể biến đổi bối cảnh năng lượng của chúng ta và đưa chúng ta đến một tương lai bền vững hơn.

Thị trường HVAC Việt Nam sẽ đạt hơn 1 tỷ USD năm 2029
Theo báo cáo của BlueWeave Consulting công bố vào tháng 8/2023, trong giai đoạn từ 2023 – 2029, quy mô thị trường hệ thống sưởi và làm mát nói chung (HVAC) tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,25%, đạt giá trị 1,066 tỷ USD vào năm 2029. Còn dự báo của Statista chỉ ra, từ 2024 - 2029, ngành điều hòa không khí có tốc độ tăng trưởng nổi bật với mức CARG là 7,82%, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 8,29%.

Trong khi đó, hồi tháng 6 năm nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết, nhu cầu điện toàn cầu được dự báo tăng khoảng 4% vào năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo cũng dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng, với tỷ lệ trong cơ cấu toàn nguồn cung cấp điện tăng từ 30% vào năm 2023 lên 35% vào năm 2025.

Theo dự báo của Statista, sản lượng điện của Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 282,40 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 2,99% (từ 2024 – 2029). Trong đó, sản lượng năng lượng tái tạo ước đạt 120,30 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 3,39%.

Liên Thượng

Theo Báo Nhà Đầu Tư

https://nhadautu.vn/cong-suat-lap-dat-nang-luong-tai-tao-viet-nam-co-the-dat-hon-1000-ty-kw-d88662.html