Trong số 58 dự án điện mặt trời do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung quy hoạch có 26 dự án tới nay vẫn chưa có chủ trương đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Công thương tới hết năm 2020 có tổng cộng 175 dự án điện mặt trời với quy mô 18.614 MWp (tương đương 14.891 MW) đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong số này có 58 dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 13.337 MWp (10.699 MW) và 117 dự án do Bộ Công thương quyết định bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 5.277 MWp (4.222 MW).
Tính tới thời điểm hiện tại, ở cấp Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, nhưng chưa đi vào vận hành có 7 dự án với quy mô 246 MWp (196 MW).
Cũng có 41 dự án điện mặt trời có tổng công suất là 7.566 MWp (6.053 MW) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, nhưng chưa đi vào vận hành.
Các dự án này tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam với 38 dự án có tổng công suất 6.956 MWp (5.565 MW). Ở miền Bắc chỉ có 3 dự án với quy mô 610 MWp.
Cũng trong số 41 dự án này hiện chỉ có 15 dự án có tổng quy mô 3.948 MWp đã có chủ trương đầu tư và 26 dự án có tổng quy mô 3.618 MWp chưa có chủ trương đầu tư.
Hiện tại, tổng công suất của các loại điện mặt trời trong hệ thống điện là 16.491 MW Ac (gồm 8.736 MW Ac điện mặt trời tập trung và 7.755 MW Ac điện mặt trời mái nhà), chiếm 27,4% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện.
So sánh với công suất cực đại (Pmax) năm 2021 là 42.482 MW thì tỷ trọng của điện mặt trời chiếm 38,8%.
Bộ Công thương cũng cho hay, tỷ trọng này được đánh giá là cao và đã gây ra những khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống điện những năm gần đây.
Cụ thể là tạo ra chênh lệch phụ tải lớn giữa thấp điểm và cao điểm khiến cho hệ thống phải thay đổi nhiều lần công suất phát của các tổ máy nhiệt điện khí và than trong ngày, phải ngừng các tổ máy nhiệt điện than và khí khi phụ tải giảm vào các ngày cuối tuần, gây tốn kém chi phí do hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện giảm hoặc mất chi phí do dừng/khởi động lại các tổ máy.
Ngoài ra còn gây quá tải các đường dây 500 kV liên kết do các nguồn điện mặt trời tập trung chủ yếu tại miền Nam.
Sự có mặt của điện mặt trời với tỷ trọng lớn còn được Bộ Công thương đánh giá là dẫn tới quán tính hệ thống điện giảm thấp (do các nguồn điện mặt trời là nguồn không có quán tính) nên có nguy cơ gây mất ổn định hệ thống điện, đặc biệt là trong các ngày lễ, tết khi phụ tải giảm thấp.
https://baodautu.vn/con-41-du-an-dien-mat-troi-lon-trong-quy-hoach-nhung-chua-van-hanh-d166042.html