Chuyển đổi năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long

Dự án “Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” hướng tới giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đem lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình nuôi tôm thông qua áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng cùng những mô hình năng lượng tái tạo, giảm lượng phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy.

Tổ chức Action Aid quốc tại Việt Nam (AAV) mới đây đã phối hợp cùng UBND, Ban quản lý dự án huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo theo hình thức trực tuyến khởi động dự án “Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đó, nhằm tăng cường năng lực cho người dân đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng cộng đồng an toàn, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế bền vững, tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) phối hợp với Tổ chức Bánh mỳ thế giới (BfdW) triển khai dự án “Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”. 

Dự án được triển khai từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2023 trên địa bàn 4 xã An Phúc, Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây của huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. 

Hoạt động nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh mẽ bởi điều kiện tự nhiên và các yếu tố môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu. Ngược lại, nuôi trồng thủy sản cũng gây ra những tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và đóng góp vào sự gia tăng biến đổi khí hậu. 

Các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng trong nuôi trồng thủy sản là các tác nhân hiện hữu hoặc tiềm ẩn góp phần làm ô nhiễm môi trường, tăng biến đổi khí hậu. Bạc Liêu là tỉnh trọng điểm và là đầu mối liên kết các tỉnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đồng thời với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bạc Liêu cũng là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí, điện mặt trời). 

Ảnh minh họa

Dự án “Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” hướng tới giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long; đem lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình nuôi tôm thông qua áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng cùng những mô hình năng lượng tái tạo và giảm lượng phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản tại 4 xã dự án thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ và tạo kiện thuận lợi để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Tại hội thảo khởi động dự án, đại biểu đại diện cho các đơn vị tài trợ, địa phương hưởng lợi dự án đã giới thiệu về những mục tiêu, kết quả dự kiến, hoạt động dự án; đồng thời trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến đóng góp nhằm tăng cường hợp tác giữa các tổ chức và cơ quan liên quan, cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động dự án trong thời gian tới. 

Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó Ban quản lý dự án cho biết, dự án này có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương, góp phần tăng diện tích trồng rừng, tiết kiệm kiệm điện, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Dự án được hoàn thành, dựa vào đó làm cơ sở triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

 

Thu Hà