Với mục tiêu hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 trong tương lai, Việt Nam được đánh giá đang có những cơ hội lớn đạt đến Net Zero. Tuy nhiên, thách thức và rủi ro vẫn hiện hữu ở nhiều mặt, đòi hỏi cần có quyết định kịp thời.
Rủi ro và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Ông Stuart Livesey - Giám đốc điều hành Copenhagen Offshore Partners Việt Nam - nhìn nhận: quá trình chuyển đổi năng lượng là những cơ hội đi kèm với thách thức đối với nước ta.
“Khối đầu tư tư nhân có thể thu hút được trong quá trình chuyển đổi năng lượng nếu có chính sách, cơ chế phù hợp. Nhiều doanh nghiệp của Eurocham có cam kết về mục tiêu Net Zero và nếu Việt Nam không thể có nguồn cung đầy đủ năng lượng xanh cho các công ty này, họ sẽ phải chuyển hướng sang thị trường khác. Đây có thể là rủi ro đối với GDP của Việt Nam để giữ chân giới đầu tư tiếp cận năng lượng xanh” - ông Livesey phân tích.
Gợi mở thêm, ông Livesey chia sẻ, cơ hội nằm ở việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và có thể dùng nhiều công nghệ khác, chẳng hạn như pin lưu trữ.
Ngoài ra, để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng, cần có khung pháp lý phù hợp, rõ ràng và minh bạch, cũng như sự thống nhất giữa các cơ quan ban, ngành.
“Các nước khác trên thế giới cũng có chỉ tiêu phát thải, nhưng chuỗi cung ứng lại là điểm nghẽn. Việt Nam cần đưa ra những quyết định để có thể đáp ứng được điều này, nếu không vẫn sẽ đứng yên tại chỗ, kéo theo cơ hội bị tuột mất. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Việt Nam vẫn có tiềm năng rất lớn” - ông Livesey bày tỏ.
Cơ hội từ nguồn vốn đầu tư
Bà Sunita Lukkhoo - Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương - Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) - cho biết, EIB mong muốn hỗ trợ cho các sáng kiến gắn liền với mục tiêu khí hậu, môi trường, cung cấp nguồn tài chính cho khối tư nhân, khối nhà nước…và rất nhiều định chế tài chính khác. EIB cũng sẽ điều chỉnh các gói sản phẩm để phù hợp với tình hình thực tế mỗi quốc gia. Phát triển năng lượng bền vững là một quá trình quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng.
“Chúng ta đã chứng kiến căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến giá dầu, an ninh toàn cầu… EIB cũng gặp thách thức, nhưng đó là lý do tại sao chúng ta cần phải bắt tay vào quá trình đổi năng lượng, dù chỉ ở bước đầu. Chúng tôi điều chỉnh các gói tài chính với từng quốc gia, khối tư nhân, các ngân hàng, các tổ chức phi chính phủ… để tìm hiểu các thách thức của riêng từng đối tượng. Chúng tôi có nguồn tài chính có thể huy động để có thể đảm bảo các dự án năng lượng được thực hiện đầy đủ” - bà Lukkhoo chia sẻ.
Vị lãnh đạo EIB thông tin, đối với khối tư nhân, Ngân hàng đầu tư châu Âu có chương trình giảm nhẹ rủi ro với phương thức đầu tư lâu dài vào các khoản vay liên quan đến vòng đời của dự án. Bên cạnh đó, EIB sẽ luôn thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật khác có liên quan.
“Chúng tôi rất mong muốn các chính phủ hướng đến kinh tế xanh hơn. Tiền không phải là vấn đề, miễn là có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp” - bà nói.
Quý An
Nguồn:Chuyển đổi năng lượng, cơ hội và thách thức (laodong.vn)