Chi tiêu năng lượng sạch toàn cầu tăng lên 1,8 nghìn tỷ USD song vẫn chưa đủ

Chi tiêu toàn cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đạt mức cao kỷ lục khi thế giới tiến tới kiềm chế biến đổi khí hậu song vẫn chưa đủ để đạt được mức phát thải ròng bằng 0.

Tính chung, tổng chi tiêu toàn cầu dành cho chuyển đổi năng lượng đã tăng 17% trong năm 2023 tương đương mức 1,8 nghìn tỷ USD, theo báo cáo hôm 30/1 của BloombergNEF, bao gồm các khoản đầu tư vốn để lắp đặt năng lượng tái tạo, mua xe điện, xây dựng hệ thống sản xuất hydrogen và triển khai các công nghệ đổi mới sáng tạo cộng thêm các khoản đầu tư khác vào xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch cũng như 900 tỷ USD khoản tài trợ, như vậy, tổng nguồn vốn tài trợ đầu tư năm 2023 đạt khoảng 2,8 nghìn tỷ USD.

 

Khoản chi tiêu kỷ lục trên phản ánh tính cấp thiết ngày càng tăng của các nỗ lực quốc tế nhằm phòng chống biến đổi khí hậu ngay sau năm 2023 nóng nhất được ghi nhận và dự báo thậm chí còn nóng hơn trong năm nay. Tuy nhiên, theo BNEF, thế giới cần đầu tư nhiều hơn gấp đôi vào công nghệ sạch để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Ông Albert Cheung, Phó Giám đốc điều hành của BNEF, cho biết: “Cơ hội còn rất lớn và chi tiêu đang tăng tốc song thế giới cần phải làm nhiều hơn thế nữa”. Tuy vậy, tổng chi tiêu cho quá trình chuyển đổi năng lượng năm ngoái còn thấp hơn nhiều so với mức hơn 4,8 nghìn tỷ USD mà tổ chức nghiên cứu BNEF có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) ước tính sẽ cần chi tiêu hàng năm từ năm 2024 đến năm 2030 nhằm mục tiêu đưa thế giới đi theo đường hướng không sử dụng năng lượng. BNEF còn cảnh báo rằng chính phủ các nước cần phải làm nhiều hơn nữa trong những năm tới.

 

Theo đó, ông Cheung ước tính rằng các khoản đầu tư cần phải tăng tới mức 170% để thế giới có thể bắt kịp tốc độ đạt mức phát thải ròng bằng 0 do vì thế giới hiện đang ở phần dốc của đường cong và sẽ chứng kiến sự tăng trưởng một cách nhanh chóng về chi tiêu hàng năm cho chuyển đổi năng lượng sạch. Tuy nhiên, liệu thế giới có đi đúng hướng để đạt phát thải ròng bằng 0 hay không thì đó còn là một câu hỏi khó.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn nhất cho đến nay với 676 tỷ USD chi tiêu cho chuyển đổi năng lượng (2023). Tuy nhiên, đó mới chỉ là mức tăng 6% so với năm 2022 mà thôi. Trong khi đó, đầu tư vào chuyển đổi năng lượng ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Châu Âu đã tăng ít nhất 22%, tương đương mức 718 tỷ USD, điều đó chứng tỏ một phần đầu tư được thúc đẩy bởi các ưu đãi trong đạo luật Giảm thiểu lạm phát (IRA), đạo luật Khí hậu hàng đầu của Hoa Kỳ, đang bắt đầu có tác động đáng kể trong lĩnh vực này. Doanh số bán xe điện gia tăng mạnh mẽ ở Vương quốc Anh cũng như nhu cầu năng lượng tái tạo đang bùng nổ trên khắp Châu Âu đang góp phần thúc đẩy tổng doanh thu gia tăng.

 

Ước tính chi tiêu cho xe điện trên toàn cầu tăng lên mức 36% tương đương với 634 tỷ USD. Điều này khiến đây trở thành lĩnh vực nhận được khoản đầu tư lớn nhất, vượt qua đầu tư cho năng lượng tái tạo chỉ tăng có 8% tương đương với 623 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã rót 310 tỷ USD vốn đầu tư vào mạng lưới điện khi coi đây sẽ là công cụ quan trọng để cung cấp năng lượng sạch được tạo ra từ các trang trại năng lượng mặt trời và gió mới chuẩn bị được đưa vào hoạt động, biến lĩnh vực trở thành thị trường lớn thứ ba về đầu tư chuyển đổi năng lượng.

Một số công nghệ đổi mới sáng tạo mới còn non trẻ đã chứng kiến sự tăng trưởng một cách nóng bỏng. Ví dụ, đầu tư vào hydrogen đã tăng gấp ba lần lên mức 10,4 tỷ USD, dấu hiệu này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với công nghệ này cho dù hiện nó vẫn chưa chứng minh được áp dụng trên bình diện quy mô lớn./.

 

Tuấn Hùng

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chi-tieu-nang-luong-sach-toan-cau-tang-len-18-nghin-ty-usd-song-van-chua-du-704874.html