Phần lớn người dân châu Phi
không hài lòng khi nghe về một quá trình chuyển dịch năng lượng ngăn cản
họ tùy ý khai thác tài nguyên hóa thạch của chính họ. Trong khi đó,
nhiều khu vực khác đã làm điều đó trong quá khứ và vẫn đang tiếp tục làm
như vậy.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Nam Sudan
đã tuyên bố rằng châu Phi đang thực hiện một quá trình chuyển dịch “từ
khởi đầu” và lục địa này cần có nguồn năng lượng đáng tin cậy từ bất cứ
nơi nào. Do đó, giới chính trị châu Phi đang lên tiếng tố giác động thái
“áp đặt chuyển dịch năng lượng”.
Vì
sao họ lại phản kháng một ý tưởng được cho là bước thiết yếu nhằm hạn
chế tình trạng nóng lên toàn cầu và tránh khỏi những hậu quả không thể
khắc phục được về mặt khí hậu? Đáng chú ý, theo giới khoa học, lục địa
này là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí
hậu. Có 9 trong số 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí
hậu nằm ở châu Phi. Đáng ngạc nhiên hơn, lục địa này có nguồn tài nguyên
tái tạo với trữ lượng dồi dào, đủ khả năng hỗ trợ quá trình chuyển dịch
và đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng cho công cuộc ấy.
Có
nhiều lý do khả thi nhằm giải thích vì sao hầu hết người dân và giới
lãnh đạo châu Phi lại thiếu nhiệt tình trong việc từ bỏ nhiên liệu hóa
thạch nhằm chuyển sang sử dụng năng lượng sạch nhân danh sự tồn tại của
hành tinh.
Không tội lỗi, không trách nhiệm
Kể
từ năm 1751 và cuộc cách mạng công nghiệp, thế giới đã thải ra hơn 1,5
nghìn tỷ tấn khí CO2. Lượng khí thải ở châu Phi chỉ chiếm 3% trong tổng
số này, tức 43 tỷ tấn CO2 trong hơn 260 năm. Nếu không tính Nam Phi, Ai
Cập, Algeria, Nigeria và Maroc, thì đóng góp của tất cả các quốc gia
khác vào lượng khí thải CO2 trong cùng thời kỳ chiếm không đến 0,5%
lượng khí thải toàn cầu.
Nếu áp
dụng nguyên tắc “ai phát thải khí nhà kính nhiều thì chịu trách nhiệm
nhiều cho tình trạng biến đổi khí hậu”, thì sẽ dễ dàng suy luận ngay
được rằng châu Phi hoàn toàn không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về
biến đổi khí hậu. Và đó chính xác là những gì người châu Phi nghĩ. Họ
cho rằng họ không có trách nhiệm trong quá khí lẫn ngày nay, vì lượng
khí thải vẫn còn ở mức rất thấp.
Nguyên
nhân lý giải lượng khí thải thấp nằm ở một thực tế: Lục địa này chỉ
chiếm một phần nhỏ trong tỷ trọng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn
cầu. Vào năm 2021, tỷ trọng của châu Phi trong cơ cấu tiêu thụ dầu toàn
cầu là 4,2%; tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu là 4,1%; tiêu thụ than
toàn cầu là 2,6% - theo bảng Đánh giá Thống kê về Năng lượng Thế giới
năm 2022.
Một thực tế thiếu hụt năng lượng
Theo
báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế
giới (WB), có khoảng 567 triệu người ở vùng châu Phi cận Sahara không có
điện vào năm 2021, chiếm hơn 80% dân số không được tiếp cận điện trên
toàn thế giới. Báo cáo cũng chỉ ra rằng tình trạng thiếu điện trong khu
vực gần như không đổi so với thời điểm năm 2010. Trong thời gian đó, hơn
một tỷ người trên toàn thế giới không được tiếp cận điện.
Tình
trạng này tạo thành một rào cản đối với năng lực phát triển kinh tế của
các quốc gia như Nigeria. Tại đây, có đến 90 triệu người không có điện
để sử dụng. Do đó, đất nước này không thể khai thác hết tiềm năng nhân
khẩu học do thiếu năng lượng.
Trong
bối cảnh này, đòi hỏi châu Phi – vùng đất nắm giữ khoảng 8% trữ lượng
dầu mỏ và gần 9% trữ lượng khí đốt tự nhiên, phải hành động mà không cần
đến tài nguyên của mình gần như là một điều bất công. Chưa kể, người
châu Phi nhận thấy “tiền bối” của họ đang tăng cường khai thác năng
lượng hóa thạch do phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Nguồn tài trợ không đến dù đã hứa
Tuy
nhiều diễn đàn và báo cáo khác nhau nói rằng châu Phi có tiềm năng phi
thường về năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo quá trình chuyển dịch năng
lượng, châu Phi vẫn chưa nhận được nguồn tài chính tương xứng nhằm phát
triển tiềm năng này.
Tổng vốn đầu
tư tích lũy vào năng lượng tái tạo ở châu Phi trong hai thập kỷ qua chỉ
chiếm 2% nguồn tài chính toàn cầu. Đầu tư vào năng lượng sạch ở châu
Phi tiếp tục chỉ tập trung vào một số thị trường trọng điểm.
Hơn
nữa, khi các khoản đầu tư cuối cùng cũng chịu đến, chúng lại được dành
cho những dự án năng lượng tái tạo nhằm xuất khẩu sang các thị trường
ngoài châu Phi, chẳng hạn như dự án hydro xanh.
Với
những lý do như vậy, người châu Phi hoàn toàn có đủ tư cách để nói
“không” với một quá trình chuyển dịch đầy áp đặt nhằm đáp ứng một chương
trình nghị sự không phải của họ và không tính đến thực tế của họ.
Ngọc Duyên
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-phi-bi-ap-dat-chuyen-dich-nang-luong-701707.html