Cần đẩy mạnh khai thác năng lượng sạch, đón đầu xu hướng của tương lai

Các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra, đặt ra vấn đề chưa từng có trong việc vừa giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu, vừa đảm bảo sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ nhanh, dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
 

Cần đẩy mạnh khai thác năng lượng sạch, đón đầu xu hướng của tương lai

Dự án điện gió tại huyện Ia H'Leo, Đắk Lắk. Ảnh: Gia Cư

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Tại Mỹ, giá khí đốt đã tăng hơn 180% và giá xăng tăng gấp đôi kể từ đầu năm. Châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, giá khí đốt tăng khoảng 500%, giá điện của EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm, kéo theo lạm phát của các quốc gia này tăng cao.

Tại Anh, giá khí đốt bán buôn đã tăng 420% trong 9 tháng đầu năm, mức tăng đột biến khiến ít nhất 26 nhà cung cấp năng lượng của Anh bị phá sản chỉ trong vòng 4 tháng, khoảng 50 nhà cung cấp bên bờ vực vỡ nợ hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi nhiều công ty ở nước này gián đoạn hoạt động vì không có nhiên liệu. Giá than đá tăng mạnh khiến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cùng với Ấn Độ sử dụng tới 65% lượng than tiêu thụ trên toàn cầu, bị thiếu điện nghiêm trọng…

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có đường bờ biển dài với 3.260km, thuận lợi phát triển năng lượng điện gió. Tính đến quý 1/2022, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô cũng như tỷ lệ các nguồn điện gió và điện mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất. Bên cạnh đó, sự phát triển cũng đặt ra những thách thức khi công nghệ sản xuất, sửa chữa và bảo trì tuabin gió khi thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng, mưa bão, lũ, sạt lở... gây hiện tượng ăn mòn.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang đặt ra cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam xu hướng khai thác năng lượng sạch trong tương lai.

Ông Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hội Năng lượng sạch của Việt Nam cho hay: “Rất mừng là khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị ở Anh vừa qua đã cam kết với thế giới rằng, Việt Nam sẽ giảm phát thải đến năm 2050 bằng 0, không sử dụng carbon. Đây là một quyết tâm rất lớn của của Đảng, Chính phủ của nước ta”.

Theo ông Thiện, vấn đề đầu tư của mảng năng lượng sạch là làm sao để đáp ứng được công cuộc này. Đây cũng là vấn đề là hết sức khó khăn, do đó, vấn đề trước mắt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải hoàn thiện tốt hơn hệ thống lưới điện, khi nguồn năng lượng tái tạo tham gia vào hệ thống hệ thống điện càng nhiều, để công tác điều độ hệ thống điện được nâng cao, đầu tư cả về mặt thiết bị, công nghệ, khai thác thực tế.

Nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng sạch

Hiện nay, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đón đầu xu hướng năng lượng sạch, như Sika – Tập đoàn lâu năm của Thuỵ Sĩ đã đem đến Việt Nam nhiều giải pháp cho ngành công nghiệp điện gió từ cánh đến trụ điện gió, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí xây dựng, sửa chữa.

Với những cải tiến công nghệ, tập đoàn này phát triển thành công các giải pháp chất kết dính cho cánh tuabin, kéo dài tuổi thọ, bảo vệ bê tông khỏi sự xâm nhập của các hóa chất gây hại cho cốt thép, chất kết dính tạo ra một liên kết cứng chắc bảo vệ thép khỏi bị ăn mòn.

Cần đẩy mạnh khai thác năng lượng sạch, đón đầu xu hướng của tương lai

Các chuyên gia giới thiệu giải pháp năng lượng điện gió tại triển lãm Năng lượng điện gió ASEAN 2022 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lệ Loan.

Trong chiến lược năm 2022 của Sika, Tổng Giám đốc Sika Việt Nam- ông Jacobo Perez Polaino cho biết, doanh nghiệp cũng đã đưa ra một loạt sản phẩm trên thị trường đạt chứng nhận sản phẩm thân thiện môi trường.

Theo Hoàng Tiến Dũng- Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng xanh, sạch, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên còn là sự chủ động định hướng dài hạn của Chính phủ.

“Chúng ta tận dụng được các hạ tầng sẵn có, ví dụ như là mái nhà của các nhà xưởng, hộ dân, mái nhà của các trung tâm thương mại và tín dụng tại chỗ. Cũng không cần phải mất nhiều đầu tư cho truyền tải hay hệ thống điện phân phối. Điều này lại thu hút được mọi thành phần kinh tế tham gia và đầu tư” - ông Hoàng Tiến Dũng cho hay. Ông phân tích thêm, do quy mô của điện mặt trời, mái nhà nhỏ, có thể từ vài chục kW cho đến vài MW, các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đầu tư. Do đó, ông khẳng định, chính sách phát triển điện mặt trời trên mái nhà là chính sách đúng đắn./.

Việt Nam hiện có 70 dự án điện gió, với công suất gần 4.000 MW đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt hơn 3 tỷ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Về điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng gần 11% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

 

Gia Cư - Lệ Loan/ thoibaotaichinhvietnam.vn

Nguồn:  https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-day-manh-khai-thac-nang-luong-sach-don-dau-xu-huong-cua-tuong-lai-116289.html