Tổng thống Joe Biden đã ra sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu, khí của Nga vào Mỹ để đáp trả hành động can thiệp quân sự vào Ukraine. Nhưng Liên minh châu Âu (EU) chưa đưa ra quyết định tương tự, vì phần lớn khí đốt phải nhập khẩu từ Nga.
Tổng thống Joe Biden công bố lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga vào Mỹ ngày 8-3
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8-3-2022 đã ra sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu, khí đốt của Nga vào Mỹ, nhằm gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Ngay sau đó, giá dầu ngay lập tức tăng vọt. Dầu Brent tăng 7,55%, lên 132,52 USD/thùng, rất gần so với mức giá kỷ lục 147,50 USD/thùng hồi năm 2008. Giá xăng tại Mỹ đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 8-3: 1 gallon (3,78 lít) có giá 4,17 USD, theo Hiệp hội những người lái xe AAA của Mỹ. Trong một tháng qua, giá xăng tại Mỹ tăng trung bình 20%.
Cũng trong ngày 8-3-2022, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng thông báo: Anh sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022 để đáp trả việc Nga can thiệp vào Ukraine. Khoảng thời gian này sẽ đủ để doanh nghiệp và chuỗi cung ứng thay thế hàng nhập khẩu của Nga, vốn chiếm 8% nhu cầu của Anh. Bộ trưởng Kwarteng lưu ý rằng, Anh không phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, vốn chỉ chiếm 4% nguồn cung cấp của Anh.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo giá dầu có thể tăng lên đến 300 USD/thùng sau lệnh cấm nhập dầu khí Nga
Trong thông báo ngày 8-3, ông Biden cho biết quyết định cấm nhập khẩu dầu khí của Nga được đưa ra với sự “phối hợp chặt chẽ” với các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, EU chưa đưa ra sắc lệnh cấm vận đối với dầu khí nhập khẩu của Nga, vốn cung cấp 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên và 30% nhu cầu dầu mỏ. Nên biết rằng, lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2021 Mỹ chỉ chiếm 8%, rất ít. Mỹ cũng không nhập khẩu khí đốt của Nga.
Trên kênh CNN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, EU nên loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. EC đang thảo luận về cách tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo, về cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Bà Ursula von der Leyen không đề cập đến lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Vấn đề này phức tạp đối với châu Âu hơn là đối với Mỹ, vì Nga cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu.
Trước đó, Tổng giám đốc Engie Catherine MacGregor đã cảnh báo, nếu châu Âu không còn nhận được khí đốt của Nga nữa, những khó khăn đầu tiên sẽ xuất hiện với việc lấp đầy kho lưu trữ vào mùa xuân và mùa hè sang năm, nhằm chuẩn bị cho mùa đông 2022-2023. Sẽ rất khó để tìm được khối lượng khí cần thiết. Trên thực tế, khi đó châu Âu sẽ bước vào một thế giới mới về năng lượng, dưới tác động của một cú sốc giá chưa từng có, toàn cảnh năng lượng chắc chắn sẽ biến đổi trong dài hạn.
Doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm khoảng 43% ngân sách Liên bang Nga
Lo ngại về sự gián đoạn xuất khẩu khí đốt từ Nga đã khiến giá LNG tại châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại vào thứ Sáu tuần trước. Khí đốt của Nga chiếm 20% nguồn cung của Engie. Engie đang đàm phán khối lượng khí đốt bổ sung với Na Uy, Hà Lan, Algeria và Mỹ. Bà MacGregor nhấn mạnh: “Chúng ta phải sáng suốt. Các đòn bẩy mà chúng ta đang nắm giữ có phạm vi hạn chế, sẽ không đủ để thay thế tất cả khí đốt từ Nga hiện nay. Trong trường hợp bị cắt giảm khí đốt, các cơ quan công quyền EU sẽ đưa ra các biện pháp để hạn chế nhu cầu. Cả các nhà công nghiệp và người dân cũng có thể phải giảm mức tiêu thụ khí đốt, đặc biệt là hệ thống sưởi”.
Frans Timmermans - Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu EU - nói rằng, trong vài năm tới, châu Âu có thể độc lập về nguồn khí đốt và bắt đầu giảm dần lệ thuộc với Nga trong những tháng tới. Theo ông Frans Timmermans, việc này tuy không dễ dàng, nhưng khả thi. EC hôm 8-3 đề ra kế hoạch đa dạng hóa nguồn năng lượng. EU sẽ giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, tăng mua lượng khí đốt và khí hóa lỏng (LNG) từ các nước khác, sử dụng hydrogen, khí sinh học, gia tăng các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, EU cũng phải lo dự trữ 80-90% khí đốt cho mùa đông năm tới.
Ngày 7-3-2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đe dọa cắt nguồn khí đốt đang cung cấp cho Đức để trả đũa việc Berlin ngưng Dự án Nord Stream 2, đồng thời cảnh báo giá dầu có thể tăng lên đến 300 USD/thùng sau lệnh cấm nhập dầu khí Nga. Nhưng theo các nhà phân tích của Bank of America, nếu cắt toàn bộ lượng dầu từ Nga, thị trường sẽ thiếu khoảng 5 triệu thùng/ngày, đẩy giá lên 200 USD/thùng.
Doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga được coi là chiếm khoảng 43% ngân sách liên bang từ năm 2011 đến năm 2020, cho thấy nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò quan trọng đối với Chính phủ Nga. Như vậy, nếu Mỹ, châu Âu cấm nhập khẩu dầu khí của Nga, chính quyền Nga sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn, còn về dài hạn, chắc chắn Nga sẽ tìm các khách hàng khác.
Dầu khí là nguồn tài nguyên hữu hạn nhưng nhu cầu của thế giới lại không ngừng tăng. Mặt khác, mặc dù giảm khối lượng xuất khẩu nhưng giá trị thu về có lẽ cũng sẽ tương đương mức cũ vì lúc này giá cả đã tăng gấp 2, 3 lần so với trước khi phương Tây cấm vận Nga. Nếu chính phủ các nước tham gia trừng phạt Nga không xuất tiền quỹ ra hỗ trợ giá năng lượng thì những người dân ở nước này chính là những nạn nhân gián tiếp hứng chịu hậu quả của các lệnh cấm vận Nga.
Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, cấm nhập khẩu dầu khí của Nga là “con dao hai lưỡi”
S.Phương
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cam-nhap-khau-dau-khi-nga-con-dao-hai-luoi-645549.html