Chiều 1/12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG).
Hoạt động diễn ra nhân dịp Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE),
Lễ công bố có sự tham gia của nhiều nước thành viên IPG gồm Anh, Nhật Bản, Đức, Italy, Canada, Đan Mạch, Phó Chủ tịch Liên minh Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ). Lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, thể chế tài chính và quỹ quốc tế như: Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP)...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) - Ảnh: Báo Chính phủ.
Tuyên bố JETP đã được Việt Nam và các thành viên IPG thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussel, Vương quốc Bỉ tháng 12 năm 2022.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Từ cơ sở trên, Thủ tướng đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thoả thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị,.
Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.
Quốc vụ khanh của Anh phụ trách năng lượng chia sẻ Kế hoạch huy động nguồn lực không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu và kinh tế đầy tham vọng mà còn mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động từ phát triển sạch, không để ai bị bỏ lại phía sau. Anh và các nước đối tác đứng đằng sau ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam, theo nhu cầu của chính Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau sự ra mắt thành công của JETP Nam Phi tại COP26 và JETP của Indonesia tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm nay. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, JETP của Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế có thể tách rời khỏi tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch.
JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) do Vương quốc Anh khởi xướng, nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý vào tháng 6 năm 2022 để xúc tiến các cuộc đàm phán với một số quốc gia về JETP, đây là một cơ chế thực hiện cốt lõi của Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu.
Nhật Hạ
Nguồn:Cam kết tài trợ 15,5 tỷ USD giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng (kinhtemoitruong.vn)