Bản tin năng lượng số 33/2021

Trong thời gian tới, Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch và xe điện.

Mở rộng hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng sạch và xe điện

Theo một thông cáo mới của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cùng các lãnh đạo chính phủ và tổ chức ở Việt Nam nhất trí về tầm quan trọng của việc chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch.

Cụ thể, về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch và xe điện, Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II). Đây là một dự án được triển khai trong 5 năm trị giá 36 triệu USD của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền tảng sản xuất, tiêu thụ năng lượng sạch, an toàn và định hướng thị trường hệ thống năng lượng.


Ảnh minh họa

Dự án sẽ hoạt động để cải thiện quy hoạch năng lượng của chính phủ, tăng cường cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân Hoa Kỳ tham gia vào cung cấp dịch vụ năng lượng cũng như tăng cường hệ thống năng lượng sạch.

Dự án sẽ giúp Việt Nam mở rộng quy mô áp dụng xe máy điện và thực hiện cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ những công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.

Vận hành tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện

Việt Nam cần thực hiện các nhóm giải pháp chính mang tính hoạch định và vận hành hệ thống điện nếu muốn vận hành tối ưu công suất nguồn điện năng lượng tái tạo, tận dụng tối đa nguồn năng lượng này trong hệ thống điện. Đây là nội dung chính của buổi hội thảo trực tuyến tổng kết “Các giải pháp quản lý lưới điện nhằm hỗ trợ vận hành tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện” diễn ra ngày 26/8 tại Hà Nội. 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật song phương “Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng” (SGREEE) do Cục Điều tiết Điện lực/Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ (dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức (BMZ) phối hợp thực hiện.

Trong thời gian gần đây, các dự án điện năng lượng tái tạo phát triển nhanh tại Việt Nam sau khi Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này chỉ phân bổ tập trung tại một số khu vực có tiềm năng lớn bức xạ mặt trời và gió trong khi hạ tầng lưới điện để giải tỏa công suất nguồn điện không đủ để đáp ứng đồng bộ. Cùng với đó, sự chênh lệch lớn giữa nhu cầu phụ tải cao điểm và thấp điểm dẫn đến sự không ổn định của hệ thống lưới điện, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các khu vực này. Các dự án phải hạn chế sản lượng điện phát, ảnh hưởng tới doanh thu và lãng phí nguồn đầu tư. Do vậy, các giải pháp được đưa ra tại hội thảo sẽ góp phần giải quyết các vấn đề trên.


Tối ưu hạ tầng lưới điện nhằm hấp thụ tối đa các nguồn năng lượng sạch

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe những phần trình bày về phân tích hệ thống điện và đánh giá hiện trạng quản lý lưới điện tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế thành công ở các nước được lựa chọn có các đặc điểm tương đồng với Việt Nam (như quy mô công suất đặt của hệ thống điện, tỷ trọng công suất đặt của các nguồn năng lượng tái tạo, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, chỉ số GDP và các chỉ số đặc trưng khác). 

Từ đó, nhóm tư vấn quốc tế và trong nước do GIZ điều phối đã đề xuất các giải pháp chính như sau: 

Nhóm giải pháp mang tính hoạch định: trong đó quan trọng nhất là ban hành cơ chế giá FIT hợp lý được thay đổi theo vùng, thời gian hoặc nhu cầu phụ tải để hạn chế việc đầu tư năng lượng tái tạo quá tập trung chỉ vào một vài vùng nhất định. Ngoài ra, có thể khuyến khích nhà đầu tư trang bị các hệ thống tích trữ năng lượng, khuyến khích các giải pháp tự động hóa/số hóa lưới điện, nâng cấp và mở rộng năng lực truyền tải của lưới điện hiện tại. 

Nhóm giải pháp về vận hành hệ thống điện gồm: 

Giải pháp về lưới điện: giải pháp dài hạn là đầu tư lưới điện truyền tải điện một chiều siêu cao áp. Các giải pháp có thể áp dụng trong ngắn và trung hạn là ứng dụng phần mềm tiên tiến nhằm hỗ trợ việc thay đổi cấu trúc kết dây lưới điện, đầu tư trang bị máy biến áp dịch pha, thiết bị điều chỉnh điện áp dưới tải để tối ưu trào lưu công suất trong hệ thống điện.


Hiện đại hóa lưới điện cao áp

Giải pháp về thị trường điện: cho phép các mô hình kinh doanh mới tham gia vào thị trường điện như hệ thống lưu trữ năng lượng hay mô hình nhà máy điện ảo; triển khai các chương trình quản lý nhu cầu phụ tải, điều chỉnh phụ tải điện, áp dụng giải pháp tái điều độ có sự tham gia của các nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán có quy mô công suất nhỏ và trao đổi điện đối lưu liên vùng nhằm vận hành tối ưu các nguồn điện năng lượng tái tạo. 

Giải pháp kiểm soát nguồn năng lượng tái tạo được phát vào lưới điện: cho phép thực hiện việc giới hạn công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo sau khi vấn đề nghẽn mạch vẫn tồn tại dù đã áp dụng hết các biện pháp khác trước đó trên cơ sở so sánh chi phí quy dẫn. Nhà đầu tư sẽ được cân nhắc bù đắp doanh thu đã bị mất ở mức độ nhất định.

PVN đón đầu xu hướng phát triển của công nghiệp hydro

Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí trong nước ngày càng suy giảm, việc nghiên cứu và đánh giá cơ hội của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc phát triển lĩnh vực hydro nói chung và sản xuất hydro “xanh” cũng như xác định các nguồn hydro tự nhiên nói riêng là rất cần thiết. Thực hiện chương trình làm việc của HĐTV, mới đây, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì buổi tọa đàm “Xu hướng phát triển của công nghiệp hydro và triển vọng phát triển cho PVN”. 

Tại tọa đàm, Ban Chiến lược PVN đã trình bày báo cáo dẫn đề về xu hướng phát triển của công nghiệp hydro trên thế giới và chiến lược phát triển hydro của các quốc gia, tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới, khu vực; đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội phát triển của PVN trong lĩnh vực năng lượng hydro nói chung và hydro “xanh” nói riêng.

Hydro không chỉ là nguồn nhiên liệu mà còn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế nói chung (như sản xuất công nghiệp, giao thông, dân dụng, sản xuất và tích trữ năng lượng), là nguyên/nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN nói riêng. Và trong tương lai, hydro “xanh” sẽ dần thay thế các nguồn nhiên, nguyên liệu hóa thạch để hình thành một nền kinh tế hydro trong tương lai không xa. 

Ngành công nghiệp hydro nói riêng hay nền kinh tế hydro nói chung đang phát triển nhanh và trở nên hiện hữu trên toàn cầu

Ngoài các nguồn hydro sản xuất từ các quá trình tổng hợp trong công nghiệp, gần đây, hydro còn được tìm thấy trong tự nhiên (dưới lòng đất) ở một số nơi trên thế giới. Vấn đề tìm kiếm, thăm dò, khai thác hydro tự nhiên đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Ở Việt Nam, có nhiều khu vực có thể xuất hiện hydro tự nhiên như các khu vực có nhiều hoạt động núi lửa, các bể trầm tích liên quan đến thành tạo than, thành tạo móng granite...

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận trong buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng đưa ra một số kết luận. Cụ thể, ngành công nghiệp hydro nói riêng hay nền kinh tế hydro nói chung đang phát triển nhanh và trở nên hiện hữu trên toàn cầu. 

Để có sự chuẩn bị nhằm tiếp cận với với xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydro khi có điều kiện đồng thời báo cáo Bộ Công Thương về triển vọng phát triển hydro của PVN cùng các đề xuất cụ thể, trước mắt, PVN cần tham gia vào quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách để tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phát triển năng lượng hydro thông qua việc kết hợp với các viện nghiên cứu, Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp hydro của Việt Nam.

Thông qua chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn của PVN, tập trung công tác nghiên cứu ứng dụng, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng/ứng dụng hydro để đón đầu và sẵn sàng tham gia sản xuất, kinh doanh hydro khi thị trường có đủ điều kiện.

Nghiên cứu xu thế phát triển hydro “xanh” trên cơ sở đặc thù chuyên ngành và các lợi thế sẵn có của hạ tầng ngành dầu khí. Trong đó tập trung: xác định có hay không các mỏ/vỉa hydro tự nhiên; nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị hydro, đặc biệt chuỗi năng lượng tái tạo – hydro – pin nhiên liệu (fuel cell)/sản xuất điện và sản xuất các sản phẩm hóa dầu (đạm, amoniac, methanol...).

Tích cực triển khai các dự án điện gió ngoài khơi có giá cạnh tranh, giá thành điện rẻ nhằm tạo tiền đề để phát triển năng lượng hydro. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo đến năm 2030 PVN đạt sản lượng 1.400 MW điện gió ngoài khơi.

Ngân Hà

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Ban-tin-nang-luong-so-332021-6-8-11845