Bản tin năng lượng số 25/2021

Tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) vừa tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 74,7 triệu Euro cho dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng.

Ký kết thỏa ước tín dụng cho dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng

Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để EVN quyết định đầu tư. EVN đã giao Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư. 

Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360 MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.398 tỷ đồng. Khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 74,7 triệu Euro (tương đương 1.900 tỷ đồng, chiếm 30,8% tổng mức vốn đầu tư cho dự án) cho dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng là khoản vay không có bảo lãnh Chính phủ thứ 2 mà AFD cung cấp cho EVN.

Tại lễ ký, ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết: “AFD tự hào là đối tác chính và lâu dài của EVN. Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng sẽ góp phần chuyển đổi năng lượng sang dạng năng lượng carbon thấp và bền vững tại Việt Nam, đây là một trong những chiến lược quan trọng của AFD tại Việt Nam. Thỏa ước tín dụng ký hôm nay giúp thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo và tiếp tục tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế cho các dự án chiến lược của EVN. AFD mong muốn tiếp tục được hợp tác với EVN và các đơn vị thành viên cũng như các công ty nhà nước khác tại Việt Nam thông qua hình thức tài trợ không có bảo lãnh Chính phủ”.


Lễ ký kết thỏa ước tín dụng và các hợp đồng thế chấp khoản vay không bảo lãnh Chính phủ giữa EVN và AFD cho dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết: Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng và các dự án thủy điện mở rộng khác đều nằm trong chiến lược phát triển năng lượng xanh và bền vững của EVN, qua đó không chỉ tăng cường công suất thủy điện của EVN mà còn tăng cường tính bền vững và hiệu suất của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh ở miền Trung Việt Nam. EVN đánh giá cao sự hỗ trợ của AFD trong hơn 20 năm hợp tác chặt chẽ giữa hai tập đoàn, đặc biệt thông qua các khoản vay ưu đãi không có bảo lãnh Chính phủ và nhiều hỗ trợ kỹ thuật có giá trị cho EVN.

Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của EVN và Ban Quản lý dự án Điện 2, việc tổ chức đấu thầu dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng qua mạng đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện 2 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu đối với công tác lựa chọn nhà thầu. EVN sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Điện 2 phối hợp liên danh nhà thầu tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị để sớm tổ chức khởi công công trình và thi công đê quai hoàn thành trước giai đoạn tích nước của hồ chứa Ialy hiện hữu; đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, triển khai hệ thống quản lý HSE (sức khỏe – an toàn – môi trường), tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường xã hội trong quá trình triển khai xây dựng dự án.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại các hiệu quả như sau: tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh họat trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống. Nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả hàng năm sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình mỗi năm khoảng 233,2 triệu kWh, giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hóa thạch, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra khi đưa vào vận hành, dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Đóng điện công trình truyền tải công suất các nhà máy điện gió phía Tây Quảng Trị

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu đóng điện công trình máy biến áp AT2 (220kV-250MVA) TBA 220kV Lao Bảo thuộc dự án TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), sẵn sàng truyền tải công suất từ hàng chục nhà máy điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị chuẩn bị vận hành thương mại.


TBA 220kV Lao Bảo

Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 2 tiếp nhận vận hành.

TBA 220kV Lao Bảo được xây dựng tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án có quy mô xây dựng mới 1 trạm biến áp 220/110/22kV với quy mô 2 máy biến áp, công suất 250MVA. Giai đoạn 1 lắp đặt trước 1 máy biến áp 220kV - 250MVA.

Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cho các nhà máy điện gió vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt có 17 nhà máy điện gió trong khu vực đăng ký truyền tải điện về TBA 220kV Lao Bảo.


Máy biến áp AT2 tại TBA 220kV Lao Bảo

Cùng với đó, dự án góp phần truyền tải công suất các nhà máy điện gió, các nhà máy thủy điện phía Tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia; góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho phụ tải tỉnh Quảng Trị; nâng cao năng lực truyền tải và giảm tổn thất cho lưới điện khu vực.

Theo đại diện CPMB, sau khi hoàn thành dự án, CPMB yêu cầu các nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành toàn bộ đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo (dự kiến trong tháng 8/2021) để các nhà máy điện gió vận hành hiệu quả, phát huy tối đa công suất.

USAID hỗ trợ TP Đà Nẵng phát triển năng lượng tái tạo

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND TP Đà Nẵng vừa cùng khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng trong một sự kiện trực tuyến với sự tham dự của Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương và đại diện các ban ngành của tỉnh và các huyện.

Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do USAID tài trợ là dự án 4 năm (2019 - 2023) với ngân sách 14 triệu Đô la và có mục tiêu thúc đẩy triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến ở các khu vực đô thị tại TP Đà Nẵng và TPHCM. Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu vực đô thị thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Dự án cũng hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến như điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và nhiều giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác. 

Mục tiêu của dự án khi triển khai tại TP Đà Nẵng là: triển khai được ít nhất 40 MW điện từ các hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến; huy động được tối thiểu 60 triệu Đô la đầu tư công và tư cho các hệ thống năng lượng đô thị phân tán tiên tiến; giới thiệu và/hoặc thương mại hóa ít nhất 5 giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị và môi trường.

“USAID đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng có khả chống chịu tốt hơn thông qua động lực là năng lượng tái tạo. Chúng tôi rất mong phối hợp với TP Đà Nẵng để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch tại địa phương, tiếp cận chuyên môn kỹ thuật và giúp Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo toàn cầu và hiện thực hóa các mục tiêu về năng lượng tái tạo”, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock phát biểu tại sự kiện. 


Mục tiêu của dự án là hỗ trợ TP Đà Nẵng triển khai được ít nhất 40 MW điện từ các hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến như điện mặt trời áp mái

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những thành phố thông minh, xanh và năng động bậc nhất Việt Nam. Đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng hiệu quả tiên tiến sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, thu hút đầu tư xanh, trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân với môi trường sống trong sạch hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp này cũng sẽ góp phần giảm thiểu trong dài hạn tác động của biến đổi khí hậu đối với thành phố và người dân. 

Chính quyền TP Đà Nẵng có cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và triển khai các dự án về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời cũng đặt ra những ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, triển khai giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả với chỉ tiêu và những kế hoạch hành động cụ thể như: Kế hoạch hành động phát triển điện mặt trời áp mái, Kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, Đề án phát triển trạm sạc xe điện và Kế hoạch hành động về hiệu suất và bảo tồn năng lượng.

USAID hiện đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Công Thương TP Đà Nẵng để triển khai các chiến lược này. Trong đó bao gồm: thành lập nhóm làm việc về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ Sở Công Thương cũng như công ty điện lực trong việc cải thiện khả năng thích ứng năng lượng đô thị và an ninh năng lượng; thành lập giải thưởng về hiệu suất năng lượng để chính quyền thành phố ghi nhận những doanh nghiệp đã thực hiện những biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và thực hiện một nghiên cứu đánh giá các quy định, chính sách, cơ chế ở cấp quốc gia và cấp địa phương để triển khai và thực thi Kế hoạch hành động sử dụng năng lượng hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030.

Ngân Hà

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Ban-tin-nang-luong-so-252021-6-8-10666