Ấn Độ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch

Ấn Độ đang không ngừng đổi mới, cải tiến công nghệ và kêu gọi đầu tư cho ngành năng lượng sạch trong nước để hiện thực hóa các cam kết về khí hậu. 

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu thế giới, Ấn Độ có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Điều này đã khiến Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Quốc gia này cũng phụ thuộc vào than đá để đáp ứng 75% nhu cầu điện và 55% nhu cầu năng lượng tổng thể.  

Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu giảm 45% lượng khí thải đến năm 2030 bằng cách bổ sung 500GW năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia, từ đó giảm gần một tỷ tấn khí thải CO2 của đất nước. Trong tiến trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch, Bộ Năng lượng tái tạo Ấn Độ vừa đưa ra quy định, nước này sẽ loại các công ty năng lượng tái tạo khỏi các hợp đồng của Chính phủ Ấn Độ trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm nếu họ không đáp ứng thời hạn hoàn thành dự án. Quy định mới được đưa ra khi Ấn Độ đang tìm cách thúc đẩy nhanh các dự án năng lượng xanh.

Ấn Độ đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. 

Ấn Độ đã ghi nhận các khoản đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trên thực tế  vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Ấn Độ đã tăng 100 % lên 1,6 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, so với 797,21 triệu USD của năm trước. Trong những năm gần đây, Ấn Độ liên tục nhấn mạnh sự cởi mở đối với chương trình phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước để trở thành một trung tâm năng lượng xanh ở châu Á.

Bộ Năng lượng tái tạo của quốc gia Nam Á này chỉ ra rằng công suất năng lượng mặt trời của Ấn Độ đã tăng từ 2,6 gigawatt lên hơn 46 gigawatt trong 7,5 năm qua, với mục tiêu đạt được 175 GW công suất năng lượng tái tạo trong năm nay. Mặc dù Ấn Độ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than, để tiêu thụ năng lượng trong nước. 

Ngoài năng lượng mặt trời, Ấn Độ cũng đang mở rộng lĩnh vực năng lượng gió và gần đây đã đưa ra chính sách hydro xanh, cũng như tiếp tục phát triển tiềm năng pin tái tạo của mình. Năm 2021, Ấn Độ công bố mục tiêu đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2070, bắt đầu bằng việc phát triển 500GW công suất năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này.

Mục tiêu của Ấn Độ nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 không chỉ dừng lại ở việc giảm phát thải khí nhà kính. Quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này còn hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích cho người dân, đồng thời đưa đất nước trở thành trung tâm toàn cầu cho sản xuất và xuất khẩu hydro xanh. Hiện tại, Ấn Độ có khả năng tạo ra nhu cầu 5 triệu tấn hydro xanh để thay thế hydro xám trong các nhà máy lọc dầu và lĩnh vực phân bón. Điều đó có thể giúp Ấn Độ giảm 28 triệu tấn CO2, và phấn đấu giảm 400 triệu tấn CO2 vào năm 2050. 

 

Nguyễn Bình

Nguồn:Ấn Độ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch (thiennhienmoitruong.vn)