3 trọng tâm đột phá để cụ thể hóa mục tiêu Net Zero

Muốn cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), Việt Nam cần xác định 3 trọng tâm đột phá tạo thế chân kiềng vững chắc, gồm: năng lượng tái tạo; phát triển các liên khu công nghiệp xanh; sản xuất nhiên liệu xanh và nhiên liệu thay thế.

Thực hiện cam kết COP26 sẽ nâng cao vị thế

“Hội nghị COP26 và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn thời đại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Những cam kết này phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, và là động lực thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang hướng hiện đại hóa”, nhóm nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nhìn nhận.

Hiện, có hơn 130 quốc gia đã đặt mục tiêu hoặc đang cân nhắc giảm phát thải carbon ròng bằng 0 đến năm 2050, cam kết tập thể cho 88% phát thải từ nhiên liệu toàn cầu.

Tại ASEAN, Thái Lan đang đặt tham vọng vào mô hình kinh tế “Xanh - Tuần hoàn - Sinh học”, với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và trở thành trung tâm sản xuất pin điện (EV battery). Nước này cũng đã phát triển 16 dự án điện mặt trời nổi, công suất 2,7GW như là một trong những nỗ lực chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải. Malaysia cũng đã có tuyên bố và cam kết giảm phát thải carbon, trong đó đặt ra tham vọng đầy thách thức với cam kết vô điều kiện giảm 45% cường độ phát thải carbon so với năm 2005. Singapore đặt mục tiêu trở thành “trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”…

Bối cảnh đó đang tạo ra 4 thách thức đối với Việt Nam, các chuyên gia đánh giá. Cụ thể, một là, khi các biện pháp điều chỉnh thuế carbon (CBAM của EU, đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ...) được áp dụng, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng chi phí xuất khẩu dẫn đến nguy cơ mất tính cạnh tranh. Hai là, khi toàn cầu chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch, Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt năng lượng do các nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, với chi phí sản xuất cao gấp 6 lần năng lượng tái tạo. Ba là, Việt Nam có nguy cơ giảm sự ủng hộ quốc tế, đánh mất cơ hội chuyển dịch khi không có được tiếng nói chung trong các vấn đề xanh, bền vững. Bốn là, nền kinh tế có nguy cơ chậm chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao và ngày càng mất vị thế trong chuỗi cung ứng mới.

Do đó, Việt Nam “không thể không có những hành động thay đổi đột phá nhằm tái định vị lại vị thế quốc gia trong ngắn hạn và bảo đảm cho mục tiêu đã cam kết trong dài hạn”. Với lợi thế là quốc gia biển, theo các chuyên gia, có 3 trọng tâm đột phá có thể giúp Việt Nam thay đổi cuộc chơi, tạo thế và lực bền vững. Đó là đặt tham vọng trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo; phát triển các liên khu công nghiệp xanh, xuất khẩu dọc bờ biển; sản xuất nhiên liệu xanh và nhiên liệu thay thế (Hydro xanh, Ammonia xanh và các nhiên liệu sinh học tiên tiến…). 3 trọng tâm này có quan hệ tương hỗ, hợp lực, được kỳ vọng có thể tạo ra thế chân kiềng vững chắc và nguồn lực dồi dào cho sự phát triển dài hạn.

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong 3 đột phá giúp Việt Nam cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm
Ảnh: ITN

Hoàn thiện chính sách cho nguồn vốn xanh

Kết quả khảo sát hơn 400 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, nhận thức của chủ doanh nghiệp về việc tạo phát thải khí nhà kính trong hoạt động kinh doanh khá tích cực, với 77% trả lời “có”, 23% trả lời “không”.

Tuy nhiên, 41% doanh nghiệp không biết đến một trong những chính sách liên quan giảm phát thải; 59% có biết nhưng chỉ 20% nắm rõ, chủ yếu là tự tìm hiểu.

Về các nội dung liên quan đến thị trường carbon tại Việt Nam, chỉ có 12% nắm rõ về các quy định, mặc dù quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới đã được ban hành từ năm 2012.

Về các giải pháp giảm phát thải, có tới 86% chủ doanh nghiệp có nhận thức về giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Song, các doanh nghiệp cho biết có nhiều khó khăn về giảm phát thải, lớn nhất là tiếp cận thông tin, tiếp đến là xây dựng lộ trình, tự cân đối tài chính để đầu tư cho mục tiêu giảm phát thải, tiếp cận nguồn vốn vay…

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng, các chuyên gia của Ban IV đề xuất trước tiên Thủ tướng định hướng chỉ đạo để nghiên cứu chi tiết 3 trọng tâm đột phá trên cùng các cơ hội/giải pháp khác nhằm sớm có hành động, quyết sách quốc gia giúp Việt Nam chuyển mình trong thời kỳ mới.

Mục tiêu trung hòa carbon bằng 0 tới năm 2050 là một quá trình dài, cần có sự hoạch định rõ ràng và triển khai đồng bộ. Chính phủ cần xây dựng một chiến lược và lộ trình hành động chung, làm kim chỉ nam trong việc hoạch định, xây dựng, tích hợp và triển khai hiệu quả các kế hoạch liên bộ, liên ngành và thống nhất giữa các địa phương.

Việt Nam cũng cần một cơ chế rõ ràng, minh bạch nhằm tạo cơ sở, tiền đề cho việc kiểm soát và phát triển thị trường carbon trong nước, hướng tới phát triển thị trường carbon trong khu vực. Để bắt đầu một thị trường carbon minh bạch và cụ thể hóa thông điệp của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành cơ chế tính giá carbon trong ngắn hạn, dài hạn đồng thời với việc xây dựng hệ thống kiểm soát, giám sát, báo cáo phát thải cacbon (MRV). Đồng thời, nhanh chóng nâng cao hiểu biết của các bên liên quan về các cơ chế này để rút ngắn thời gian thực thi. Một số chương trình thí điểm có thể cho phép tiến hành sớm trước khi các khung chính sách, pháp lý chung ra đời.

Trong khảo sát hơn 400 doanh nghiệp về nhận thức giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon được Ban IV thực hiện hồi tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp cho rằng một trong những khó khăn lớn là nguồn vốn đầu tư. Để tháo gỡ vấn đề này, các chuyên gia kiến nghị, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cải thiện và hoàn thiện chính sách nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn xanh, phát triển mạnh các sản phẩm tài chính xanh, chẳng hạn đặt ra quy tắc, hướng dẫn các bên tham gia thị trường trái phiếu xanh, mở cửa thu hút đầu tư công nghệ mới, năng lượng tái tạo, thành lập các quỹ nghiên cứu công nghệ và môi trường… Cùng với đó, Thủ tướng trực tiếp phát động trong cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia chương trình xây dựng sáng kiến, ý tưởng kinh doanh đổi mới sáng tạo từ nội lực trong nước để đóng góp cho xu thế phát triển mới.

Minh Châu/Đại Biểu Nhân Dân

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/3-trong-tam-dot-pha-de-cu-the-hoa-muc-tieu-net-zero-i307166/