'Việt Nam nhiều nắng và gió, có điều kiện chuyển đổi năng lượng xanh'

Phát biểu kết luận Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần cắt giảm thủ tục rườm rà, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và chú trọng phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời. 

Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, nhằm thảo luận về các nội dung quan trọng về tình hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, mục tiêu trong những tháng cuối năm.

Thủ tướng đánh giá cao việc chuẩn bị các tài liệu, báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan và ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, sát thực tế của các đại biểu dự họp. Thủ tướng nêu lên những kết quả nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong 8 tháng vừa qua, bất chấp tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong đó, có thể kể đến như kiểm soát tốt dịch bệnh; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, triển khai hiệu quả chính sách tiền tệ; đảm bảo 5 cân đối lớn; nền kinh tế tiếp tục phục hồi với các kết quả tốt đến từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ…

Ngoài ra, tình hình vốn đầu tư toàn xã hội, phát triển doanh nghiệp cũng có những kết quả tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện; xây dựng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; các loại hình thị trường dần phục hồi, được kiểm soát, phát triển theo hướng an toàn, cạnh tranh lành mạnh; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ có xu hướng giảm; những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỉ giá, giá cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; có giải pháp phù hợp cho nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế…

Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới. Mới nhất, Moody's ngày 6/9 đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức có thể kể đến như sức ép lạm phát cao; giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện, chưa có biện pháp tích cực, còn đầu tư dàn trải, manh mún, thủ tục hành chính còn rườm rà. Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng, trong đó yếu tố rất quan trọng là thu hút vào đâu và giải ngân thế nào. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao.


Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức mới do tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh: VGP

Chú trọng vào chuyển đổi xanh, đặc biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện, tổng thể, quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 xác định, gồm "4 ổn định", “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “1 kiên quyết không”.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Xây dựng các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn.

Đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời và yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải tiếp tục đổi mới tư duy, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh.


"Dầu, khí, than đều phải đi mua và giá càng cao, như than khai thác càng sâu thì càng đắt, trong khi Việt Nam nhiều nắng và gió, không phải mua, nhập, cũng không ai lấy đi được, công nghệ năng lượng gió và mặt trời càng ngày càng phát triển với giá rẻ hơn. Việt Nam có điều kiện để chuyển đổi năng lượng phù hợp xu thế toàn cầu, phát triển ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng, sản xuất các trang thiết bị năng lượng tái tạo"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam và đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Tập trung rà soát, hòa thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ban hành trong tháng 9 các nghị định về tổ chức bộ máy của các bộ, các ngành.

Trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, có giải pháp về visa phù hợp với tình hình hiện nay để thu hút mạnh hơn du khách, thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế.

https://mekongasean.vn/viet-nam-nhieu-nang-va-gio-co-dieu-kien-chuyen-doi-nang-luong-xanh-post10907.html