Tiềm năng lớn để chuyển đổi năng lượng xanh
An ninh năng lượng là chủ đề nóng, ảnh hưởng tới các quốc gia. Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững. Đây là một chủ trương lớn đang được Chính phủ hiện thực hóa hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đạt mục tiêu nền kinh tế carbon thấp, thập kỷ xanh. Để có thể thực hiện được những mục tiêu trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam cần sự hợp tác và hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế đặc biệt là những nước phát triển đã và đang thành công trong quá trình chuyển đổi này.
Việt Nam còn có tiềm năng lớn về điện mặt trời, có thể phát triển nhanh hơn so với các nước khác. Ngoài ra, Việt Nam còn có đường bờ biển dài, tài nguyên điện gió ngoài khơi và điện gió đất liền đều rất tốt. Có thể nói Việt Nam có nguồn tài nguyên tuyệt vời để chuyển đổi năng lượng xanh.
Tại Việt Nam, dự báo vào năm 2050 phải chi 748 tỷ USD mỗi năm nếu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, trong khi chỉ cần dùng 99 tỷ USD nếu dùng năng lượng tái tạo. Từ ví dụ này có thể thấy, Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung có thể tiết kiệm rất nhiều nều sử dụng năng lượng tái tạo.
"Việt Nam còn có tiềm năng lớn về điện mặt trời, có thể phát triển nhanh hơn so với các nước khác. Ngoài ra, Việt Nam còn có đường bờ biển dài, tài nguyên điện gió ngoài khơi và điện gió đất liền đều rất tốt. Có thể nói Việt Nam có nguồn tài nguyên tuyệt vời để chuyển đổi năng lượng xanh. Việt Nam cũng kết nối tốt và học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Tôi tin vào tương lai chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam", GS Mark Zachary Jacobson (Đại học Stanford, Hoa Kỳ) đánh giá.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam có đặc điểm địa lý lợi thế, đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, khí hậu cận nhiệt đới gió mùa và nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh, ổn định, tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào.
Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới, nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió khoảng 600 W, lớn gấp 200 lần so với công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và gấp hơn 13 lần tổng công suất cực đại của hệ thống điện toàn quốc năm 2020.
Cần có lộ trình thúc đẩy quá trình chuyển dịch
Nhận thức đầy đủ những thách thức khi hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững, Việt Nam đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện cam kết của mình thông qua việc xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hạn chế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch nhằm giảm tác động tới môi trường. Đồng thời, xem xét dừng quá trình mở rộng sử dụng than đá và khí đốt; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hóa”, gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, nhất là chú trọng phát triển điện gió.
Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121 - 146 nghìn MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát), trong đó điện gió (gồm cả điện gió ngoài khơi) sẽ tăng từ mức trên 4.100 MW hiện nay lên tới 12 - 30 nghìn MW (chiếm 9,8 - 20,3% công suất và 5,6 - 14,1% sản lượng toàn hệ thống); riêng điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 7.000 MW (chiếm khoảng 4,7% công suất). Tổng công suất năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) tăng từ mức khoảng 17.000 MW (khoảng 25% công suất và 4,5 % sản lượng) hiện nay lên khoảng 22 - 40 nghìn MW (chiếm 18 - 27% công suất và 11,6 - 20,2% sản lượng).
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368 - 502 nghìn MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát), trong đó điện gió (gồm cả điện gió ngoài khơi) sẽ đạt khoảng 95 153 nghìn MW (chiếm 25,8 - 30,5% công suất và 26,8 - 36,9% sản lượng toàn hệ thống), riêng điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 46 - 87 nghìn MW (chiếm khoảng 12,5-17,3% công suất). Tổng công suất năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) đạt khoảng 202 - 296 nghìn MW (chiếm 54,9 - 58,9% công suất và 48,2 - 59,1% sản lượng).
Để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, GS Mark Jacobson cũng cho rằng, Việt Nam cần vượt qua rào cản lớn nhất là ngành năng lượng hóa thạch phải đầu tư lớn. Vì vậy, cần có lộ trình và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, bắt đầu từ những công trình đơn lẻ, quy mô nhỏ tiến tới đồng bộ và phát triển ở quy mô rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, để thị trường năng lượng tái tạo không lỡ nhịp phát triển, ông Phạm Minh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng.
Ngoài ra, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Quy hoạch điện VIII với các mục tiêu, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo được Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông Hùng, Quy hoạch điện VIII cần đáp ứng hai yêu cầu. Thứ nhất, có mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo với quy mô phù hợp nhưng phải ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Sớm hoạch định chi tiết các nguồn năng lượng tái tạo cho từng địa phương để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện.
Thứ hai, đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư.
“Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang nền kinh tế hỗn hợp hiện đại, thúc đẩy nhu cầu năng lượng tăng nhanh, đặc biệt là nhu cầu về điện.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam vẫn dựa trên một nền kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng (trong đó năng lượng hóa thạch chiếm khoảng 70%). Những hệ lụy theo sau nhu cầu năng lượng ngày càng tăng là các vấn đề liên quan tới bảo đảm an ninh năng lượng và các thách thức về môi trường, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, gây nhiễm môi trường. Với Việt Nam, đây là một trong những thực trạng và thách thức nghiêm trọng cần tập trung giải quyết trong nhiều năm tới”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Lan Anh
Nguồn: Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hóa” (kinhtemoitruong.vn)