Hai nguồn tin cho biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang tìm những người mua tiềm năng cho các mỏ dầu ở Mỹ mà họ sở hữu. Như vậy, trong bối cảnh lo ngại bị trừng phạt và ý định tập trung đầu tư trong nước, Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến trình rút lui khỏi thị trường của các quốc gia phương Tây.
Vào tháng 4/2022, Reuters đưa tin rằng CNOOC đang xem xét ý định rút hoạt động khỏi Vương quốc Anh, Canada và Mỹ. Thật vậy, Bắc Kinh lo ngại rằng những tài sản đó có thể rơi vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt từ phương Tây, vì Trung Quốc từ chối lên án cuộc chiến Nga - Ukraine.
Bắc Kinh cũng đang cố gắng củng cố nền an ninh năng lượng toàn quốc bằng cách yêu cầu CNOOC và những công ty khác gia tăng hạn ngạch sản lượng trong nước. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi đầu tư vào các nguồn tài nguyên mới - tốn kém hơn và đầy thách thức hơn, vì những mỏ dầu hiện nay của họ đang nhanh chóng cạn kiệt.
Hiện nay, các nguồn tin nội bộ cho biết, CNOOC đã thuê dịch vụ tài chính JPMorgan (Mỹ) để tư vấn về khả năng bán lại các tài sản khí đá phiến của họ tại Mỹ. Khối tài sản này có thể đạt giá trị lên tới khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nguồn tin cảnh báo, CNOOC có thể sẽ không bán khối tài sản trên. Tập đoàn sẽ giữ chúng lại nếu họ không tìm được lời chào giá tốt. Hoặc nếu như tình hình chính trị đột ngột thay đổi.
Những nguồn tin trên đã yêu cầu được ẩn danh vì theo họ, kế hoạch bán lại này là thông tin mật.
CNOOC và JPMorgan đã từ chối bình luận.
Tại Mỹ, CNOOC sở hữu cổ phần của các mỏ dầu và khí đá phiến tại lưu vực Eagle Ford (đồng sở hữu với công ty khai thác đá phiến Chesapeake Energy của Mỹ) và Rockies. Họ cũng sở hữu cổ phần của hai mỏ lớn ngoài khơi Vịnh Mexico: Appomattox và Stampede.
Theo một nguồn, Chesapeake Energy cũng đang rao bán khối tài sản của họ ở lưu vực Eagle Ford. Dù vậy, quyết định này sẽ không gây ảnh hưởng gì đến kế hoạch của CNOOC.
Có hai nguồn tin khác cho biết, CNOOC cũng đang đàm phán với nhà sản xuất dầu khí Harbor Energy (Anh) về việc bán lại khối tài sản ở Vịnh Mexico.
Harbor Energy đã từ chối bình luận.
Cách đây chưa đầy một thập kỷ, nhờ thực hiện thương vụ mua lại Nexen (Canada) với giá 15 tỷ USD, CNOOC đã nắm được thêm phần lớn cổ phần từ các mỏ dầu khí ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây khác. Như vậy, thỏa thuận này đã biến Trung Quốc thành một trong những nhà sản xuất hydrocarbon hàng đầu thế giới.
Trong báo cáo lợi nhuận quý III/2022 được phát hành vào tháng trước, CNOOC cho biết, nhờ giá dầu tăng vọt, tập đoàn đã thu về khối lợi nhuận cao gấp hai lần so với giai đoạn cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, theo bản tin tháng 3 của Reuters, CNOOC cũng đang tìm kiếm người mua lại cổ phần của họ trong các mỏ dầu ở Biển Bắc của Anh. Equinor (Na Uy) được cho là đang xem xét mua cổ phần qua một thỏa thuận trị giá từ 20 tỷ đến 30 tỷ crown Na Uy (tức 2-3 tỷ USD).
Ngọc Duyên
Nguồn: Vì sao CNOOC tiếp tục rút lui khỏi thị trường phương Tây (petrotimes.vn)