Vì sao Anh rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng?

Vào thứ năm tuần trước, Vương quốc Anh tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT), đây là một tin tốt cho khí hậu. Hiệp ước này cho phép một công ty thăm dò và khai thác hydrocarbon kiện một quốc gia nếu họ cho rằng chính sách của quốc gia đó gây bất lợi cho họ.

Hình minh họa. Ảnh AFP

Hiệp ước này được bắt nguồn từ cuối Chiến tranh Lạnh. Vào thời điểm đó, nền kinh tế của Liên Xô cũ đang trong tình trạng suy thoái. Nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng và hỗ trợ phục hồi các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ, một thỏa thuận hợp tác đã được đề xuất. Năm 1994, Liên minh Châu Âu và khoảng 50 quốc gia khác đã ký Hiệp ước Hiến chương Năng lượng nổi tiếng.

Hiệp ước cho phép các công ty trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các công ty thăm dò và khai thác dầu mỏ, than đá hoặc khí đốt, kiện một quốc gia nếu họ cho rằng chính sách của quốc gia đó có hại cho hoạt động kinh doanh của họ.

Mặc dù mục đích ban đầu của ECT là bảo vệ các khoản đầu tư, nhưng theo thời gian, hiệp ước này đã ngày càng được sử dụng để phản đối các chính sách về khí hậu của các quốc gia.

Hiệp ước bị coi là "lỗi thời"

Trên thực tế, năng lượng hóa thạch là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới, nên là mục tiêu của các chính phủ nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, ngành năng lượng hóa thạch không muốn điều này xảy ra. Các công ty đang sử dụng mọi cách thức có thể để có thể tồn tại, một trong số đó có ECT.

Hiện nay, một công ty dầu khí của Anh đang kiện Slovenia, đòi bồi thường 500 triệu euro trước tòa án đặc biệt. Công ty này cho rằng luật môi trường của Slovenia là "phân biệt đối xử" và cản trở họ đầu tư vào khai thác dầu mỏ và khí đốt tại quốc gia này.

Thậm chí vào năm 2022, Ý đã phải chịu án bồi thường 200 triệu euro cho một công ty dầu khí nước ngoài vì đã từ chối cấp phép khai thác ngoài khơi. Kể từ đó, Ý đã rút khỏi ECT cùng với các quốc gia khác như Pháp, Đức và Hà Lan.

Chưa có bước ngoặt mạnh mẽ về môi trường tại Vương quốc Anh

Vào thứ Năm tuần trước, tại Vương quốc Anh, tin tức nước này rút khỏi ECT đã nhận được sự chào đón từ các nhà hoạt động môi trường, như bà Rosemary Harris từ tổ chức phi chính phủ Oil Change International. Bà cho rằng hiệp ước này là "lỗi thời".

"Phần lớn các công ty khai thác hydrocarbon ở Biển Bắc của Vương quốc Anh là các công ty nước ngoài. Thế nên, chúng tôi rất dễ bị kiện tụng. Việc rút khỏi ECT là bước đi đúng đắn, nó cho phép chính phủ thực hiện các biện pháp để thoát khỏi việc khai thác dầu mỏ và khí đốt mà không cần lo ngại về việc bị các công ty này kiện tụng". Tuy nhiên, bà không tin tưởng về chính sách năng lượng của Anh, bà cho biết: "Chỉ trong tuần trước, một đạo luật cấp phép khai thác mới ngoài khơi đã được thông qua, trong khi chúng ta nên ngừng mọi dự án mới và lập kế hoạch chấm dứt khai thác". Vì thế thông báo này có thể được sử dụng để tránh các vụ kiện tụng nhiều hơn là để bắt đầu một bước ngoặt về môi trường ở nước này, nhưng đây vẫn là một bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ngoài một số quốc gia đã rút khỏi ECT, toàn bộ Liên minh Châu Âu đang chuẩn bị rút khỏi hiệp ước này vì các cuộc đàm phán cải cách đã thất bại. Các quốc gia Đông Âu và Trung Á hiện vẫn là những quốc gia ký kết khi mà họ vốn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Nh.Thạch

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/vi-sao-anh-rut-khoi-hiep-uoc-hien-chuong-nang-luong-706299.html