Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Ðức Robert Habeck thừa nhận rằng căn cứ theo Ðạo luật Bảo vệ khí hậu, Ðức sẽ không thể đạt được các mục tiêu khí hậu trong hai năm tới.
Đến năm 2023, điện hạt nhân sẽ không tồn tại ở Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Ðức, trong trả lời phỏng vấn báo chí số ra ngày 30-12, Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh Ðức có thể sẽ vẫn bỏ lỡ các mục tiêu của mình trong năm 2022, thậm chí năm 2023 vẫn khó đạt. Ðạo luật Bảo vệ khí hậu sửa đổi, được chính phủ dưới thời Thủ tướng Angela Merkel phê chuẩn hồi tháng 5-2021, bao gồm nhiều biện pháp toàn diện và nghiêm ngặt về bảo vệ khí hậu. Cụ thể, tới năm 2030, Ðức đặt mục tiêu giảm ít nhất 65% lượng phát thải khí nhà kính so với mức của năm 1990. Bên cạnh đó, Ðức sẽ trung hòa khí thải vào năm 2045 thay vì năm 2050.
Thỏa thuận liên minh cầm quyền 3 đảng hiện nay nêu rõ Chính phủ Ðức đặt mục tiêu đạt 80% lượng điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, chủ yếu là từ năng lượng gió và năng lượng Mặt trời. Theo Bộ trưởng Habeck, Ðức đã phải mất 30 năm để đạt được mức 42%, giờ đây chỉ còn lại 8 năm để tăng gấp đôi con số này.
Cụ thể, mỗi năm, Ðức sẽ phải lắp đặt trung bình từ 1.000-1.500 turbine gió mới, con số tăng mạnh so với mức chỉ khoảng 450 turbine được triển khai trong vài năm qua.
Trong năm 2020, điện hạt nhân vẫn đóng góp 18% sản lượng điện quốc gia ở Ðức. Tuy nhiên, Chính phủ liên bang Ðức đã quyết định sẽ đóng 3/6 nhà máy điện hạt nhân còn lại trước cuối năm nay. Ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng gồm Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland cũng sẽ ngừng hoạt động trước cuối năm 2022, đặt dấu chấm hết cho điện hạt nhân ở Ðức, vốn từng có trên 100 cơ sở hạt nhân được xây dựng cho mục đích nghiên cứu và hoạt động thương mại kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước.
MẠNH HÙNG
https://baocantho.com.vn/-uc-thua-nhan-kho-dat-muc-tieu-bao-ve-khi-hau-a142269.html