Theo hãng AP, sau nhiều năm lên kế hoạch, Anh bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại nhà máy phát điện Hinkley Point C đặt nằm sâu dưới lòng đất.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Hinkley Point C là một trong những dự án nhà máy điện lớn nhất ở Anh và có khả năng tạo ra 7% điện năng trên cả nước.
"Tại Hinkley, dự án được huy động xây dựng trên quy mô lớn", Giám đốc Dự án Nigel Cann nói. "Chúng tôi có dịch vụ xe bus lớn thứ ba trên thế giới. Các địa điểm như Hinkley đã trở thành một phần không thể thiếu với Vương quốc Anh khi chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2050. Một số chuyên gia cho rằng năng lượng hạt nhân sẽ cần thiết để giúp các quốc gia loại bỏ nhiên liệu hóa thạch nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về chi phí và thời gian để xây dựng các lò phản ứng hạt nhân lớn cũng như về mức độ an toàn và chất thải hạt nhân. Trong khi đó, những loại năng lượng sạch khác như trang trại gió có thể được xây dựng và đưa vào hoạt động nhanh hơn nhiều.
Các nhà phân tích năng lượng cho rằng việc Hinkley có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng xây dựng lò phản ứng hạt nhân lớn ở Anh và các nước khác trong tương lai. Năng lượng hạt nhân được tạo ra thông qua phản ứng phân hạch và quá trình tách các nguyên tử uranium. Năng lượng được giải phóng từ quá trình phân hạch biến nước thành hơi nước để quay tua-bin tạo ra điện, một quá trình không thải khí làm nóng hành tinh vào bầu khí quyển. Các nhà khoa học nói rằng để hạn chế thế giới nóng lên ở mức 1,5 độ C thì lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch cần phải được cắt giảm đáng kể.
"Mọi người đều muốn điện hạt nhân vì mang lại sự an toàn vào thời điểm nguồn cung khí đốt gặp rủi ro. Và cũng bởi vì nhiều quốc gia đã có cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nên sẽ rất khó khăn hoặc thậm chí không thể đạt được nếu không nghĩ đến năng lượng hạt nhân", ông Neir Hirst, chuyên gia chính sách cấp cao về năng lượng tại Đại học Hoàng gia London cho biết. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ sức để bám sát về chi phí và thời gian để làm ra điện hạt nhân.
Chi phí đắt đỏ
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ước tính tiêu tốn tới 30 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Ngân sách chi cho dự án đang vượt qua 78 tỷ USD và chậm trễ hơn so với dự kiến do đại dịch Covid-19 gây ra làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tình hình thiếu hụt lao động.
Mỹ, quốc gia vẫn có khả năng sản xuất điện hạt nhân cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào hiện chỉ vận hành một lò phản ứng hạt nhân kết nối với lưới điện từ năm 2000, dự án có trụ sở tại Tennessee và phải mất hàng thập kỷ để hoàn thành. Kế hoạch xây dựng ít nhất 21 lò phản ứng hạt nhân mới đã bị hủy bỏ kể từ năm 2007, Cơ quan Năng lượng Nguyen tử quốc tế cho biết.
Trong khi đó, dự án nhà máy điện của Pháp có tên là Flamanville 3 vẫn đang được xây dựng và cùng loại với lò phản ứng hạt nhân Hinkley Point C đã vượt ngân sách ban đầu gấp nhiều lần và có một số thất bại khi vận hành. Hay nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto-3 của Phần Lan cũng đã phát điện chậm hơn 1/2 thế kỷ so với kế hoạch đã chứng kiến chi phí tăng gấp 4 lần lên khoảng 11 tỷ USD.
Bà Jennifer Gordon, Giám đốc Sáng kiến Chính sách Năng lượng hạt nhân tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết những khoản vượt quá này sẽ khiến các chuyên gia nghĩ lại. Giữa các mối lo ngại về khí hậu cũng như an ninh năng lượng ngày càng gia tăng, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đưa ra giải pháp.
Ông Paul Dorfman từ Đại học Sussex cho rằng điện hạt nhân sẽ là giải pháp quá muộn để giúp giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan về năng lượng và cũng sẽ quá muộn để giải quyết tình trạng khó khăn về khí hậu. Sự gia tăng lớn về năng lượng tái tạo cho thấy chúng có thể đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Các dự án điện hạt nhân cần trả trước hàng tỷ đô la trước khi có thể bắt đầu tạo ra điện và cũng phải mất chi phí lớn về nhiên liệu để vận hành.
Bên cạnh đó, các lò phản ứng hạt nhân lớn có thể đóng vai trò như cầu nối cho thế hệ hạt nhân tiếp theo và cũng là cầu nối cho năng lượng tái tạo và đột phá trong công nghệ lưu trữ. Một số chuyên gia tin rằng điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn dự phòng đảm bảo nguồn năng lượng carbon thấp khác trong tương lai mà không cần hoặc cần rất ít nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên vẫn cần phải xem xét thêm về tính linh hoạt để kết hợp với năng lượng nắng hay gió./.
Hồng Nhung/ toquoc.vn
Nguồn: https://toquoc.vn/tuong-lai-nang-luong-hat-nhan-dap-ung-nhu-cau-su-dung-dien-tai-anh-2022111516172367.htm