Triển vọng ngành công nghiệp dầu khí thế giới năm 2024

Ngày nay, ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu cần tìm kiếm các giải pháp duy trì quy định siết chặt dòng vốn đầu tư và ưu tiên cho các dự án carbon thấp mang tính khả thi để hỗ trợ điều chỉnh bức tranh toàn cảnh của sự thay đổi về nhu cầu năng lượng thời gian tới một cách có hiệu quả.

Theo đó, bức tranh toàn cảnh nhu cầu năng lượng tiếp tục dần được định hình chủ yếu bởi bốn nhân tố gây tác động về mặt địa chính trị, các biến số kinh tế vĩ mô như lãi suất cao và chi phí nguyên vật liệu tăng, các chính sách và quy định đang xây dựng phát triển cũng như sự phát minh các công nghệ sáng tạo mới (hình 1). Những nhân tố gây xáo trộn trên có thể sẽ gây tác động một cách đáng kể đến cung và cầu cũng như tính chất thương mại và đầu tư trong ngành dầu khí (O&G). Việc cắt giảm sản lượng dầu thô khai thác tự nguyện bổ sung lên tới 2,5 triệu thùng mỗi ngày của OPEC+ đã đẩy giá dầu Brent có thời điểm vượt qua mức 90 USD/thùng, trong khi đó giá khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua hệ thống đường ống dẫn khí của Trung tâm phân phối Henry Hub (tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ) đã tăng trở lại lên mức 3,50 USD/một triệu đơn vị nhiệt Anh vào đầu tháng 11/2023 vừa qua.

Bất chấp tình hình trên, nhu cầu dầu thô toàn cầu ước tính vẫn nằm trong quỹ đạo đà tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và cán mốc hơn 100 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong lịch sử. Trong khi đó, trên cấp độ toàn cầu, doanh số bán xe điện (EV) đã tăng hơn 35% vào năm 2023, tức chiếm 1/7 tổng số lượng ô tô bán ra thì là EV. Sự tăng trưởng đồng thời này diễn ra ở cả phương tiện chạy xăng dầu và EV đã phản ánh sự khác biệt mang tính khu vực về cơ cấu nhu cầu, sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ, các chính sách quản lý điều hành và các yêu cầu khác về mặt kinh tế-xã hội.

Dự báo ngành công nghiệp dầu khí sẽ có một khởi đầu vững chắc vào năm 2024 là một phần nhờ vào tình hình tài chính vững mạnh và giá dầu thô neo ở mức khá cao cũng như kết quả đạt được trong việc ngăn chặn sự suy thoái hơn nữa của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu. Với thế mạnh này có thể sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí mạnh tay trong chi trả cho các khoản đầu tư và chia cổ tức, đồng thời hỗ trợ chương trình sử dụng vốn đầu tư một cách bài bản và chiến lược tập trung vào các cổ đông. Ví dụ, ngành công nghiệp thượng nguồn toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì mức đầu tư cho sản xuất hydrocarbon năm 2023 đạt khoảng 580 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước đó và sẽ tạo ra dòng tiền tự do trị giá hơn 800 tỷ USD vào năm 2024.

Những mô hình mới nổi trong ngành công nghiệp dầu khí

Tuy nhiên, sự chi tiêu tài chính mạnh mẽ kéo dài trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí có thể làm gia tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư, cơ quan hoạch định chính sách và các cổ đông khác có thể góp phần đạt nhiều bước tiến hơn nữa trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng đầu tư vào năng lượng carbon thấp và mức sinh lời cho tất cả các cổ đông. Tất cả những kỳ vọng này có thể đóng vai trò là động lực thúc đẩy các công ty O&G tập trung hơn nữa vào việc giảm phát thải khí nhà kính và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Triển vọng ngành công nghiệp dầu khí năm 2024 thể hiện việc khai phá 5 xu hướng và động lực đóng vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc định hình chiến lược và ưu tiên của các công ty O&G trong năm tới, bao gồm:

Các xu hướng chính

1. Chuyển dịch năng lượng: Phân bổ vốn đầu tư một cách thận trọng và thực hiện hiệu quả chính sách năng lượng sạch

Hiện các hãng O&G đang tích cựch tìm kiếm những giải pháp về năng lượng sạch. Tuy nhiên, mức độ chi phí trực tiếp cho các nhiên liệu sản xuất và công nghệ carbon thấp, không bao gồm các khoản đầu tư nhằm tăng năng suất và giảm khí phát thải nhà kính từ các mỏ dầu khí đang khai thác, chỉ chiếm có 4% tổng vốn đầu tư thượng nguồn. Dự báo, toàn ngành công nghiệp thượng nguồn toàn cầu dự kiến sẽ tạo ra từ 2,5 nghìn tỷ USD đến 4,6 nghìn tỷ USD dòng tiền tự do thông qua hoạt động kinh doanh hydrocarbon từ 2023 đến năm 2030, vì vậy, sự thiếu hụt vốn đầu tư không phải là vấn đề gì lớn lao. Thay vào đó, sự thách thức trọng tâm chính là việc mở rộng quy mô đổi mới sáng tạo trong khi vẫn duy trì mức lợi nhuận và giá trị của các cổ đông.

Thế khó của quá trình chuyển đổi năng lượng

Động lực chỉ đạo thúc đẩy những lợi thế về năng lượng sạch của các công ty O&G được cho là rất phức tạp, vì mỗi công ty đều cần cân nhắc lợi ích và rủi ro của riêng mình khi đầu tư vào các sáng kiến năng lượng xanh. Tiến triển đạt được ở cấp công ty và kết quả phân bổ vốn đầu tư tiếp theo thường bị ảnh hưởng bởi những cân nhắc cả trong nội bộ cũng như ở bên ngoài.

1. Những khó khăn nội bộ: Kết quả cuộc thăm dò khảo sát các giám đốc điều hành O&G (7/2023) cho thấy, 60% số người được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư vào các dự án phát thải carbon thấp nếu lợi nhuận từ các dự án này vượt quá từ 12% đến 15% (hình 2). Liên quan đến bối cảnh này, trong năm 2022, lợi nhuận thu được từ các dự án điện tái tạo lớn dao động ở mức từ 6% đến 8%. Do đó, ngành công nghiệp O&G có thể sẽ tập trung chi tiêu cho các lĩnh vực sau:

- Các sáng kiến nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm khí phát thải nhà kính với hơn 1/3 số giám đốc điều hành O&G khi được hỏi thì đều cho rằng hiệu quả hoạt động và mức giảm khí phát thải nhà kính trực tiếp (phạm vi 1 và 2) là số liệu then chốt đánh giá tiến trình chuyển đổi năng lượng; và

- Những nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp gắn liền lợi ích cốt lõi hoặc bổ sung cho các hoạt động chính của công ty O&G với khoảng 37% đến 44% số giám đốc điều hành khi được hỏi thì lại cho rằng khí đốt tự nhiên, thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), nhiên liệu sinh học và hydrogen đều là những yếu tố quan trọng trong chiến lược đầu tư dự án phát thải khí nhà kính thấp của công ty.

Kỳ vọng về thách thức đối với các dự án carbon thấp

2. Những khó khăn bên ngoài: Kể từ năm 2021, nhiều chính sách năng lượng sạch mới đã được thông qua hoặc công bố trên toàn thế giới, bao gồm các đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm, và giảm thiểu lạm phát (Hoa Kỳ) cũng như kế hoạch đề xuất REPowerEU và ngành công nghiệp Net-Zero (Liên minh Châu Âu-EU). Tương tự như vậy, các mục tiêu năng lượng tái tạo ở châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc đấu thầu năng lượng tái tạo quan trọng ở Nam Mỹ là nhằm mục đích thúc đẩy việc thông qua các quy định chính sách về năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả các chính sách hoặc tiến triển các đề xuất vẫn là đều rất quan trọng nhằm thu hút vốn và giảm thiểu rủi ro đầu tư, ví dụ như:

- Sự chậm trễ trong việc đánh giá tác động môi trường và cho phép phát triển dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và CCS, cùng với những thách thức về sự chấp thuận công khai liên quan đến các dự án khai thác mỏ khoáng sản và năng lượng tái tạo quan trọng, đều có thể cản trở tốc độ phát triển năng lượng sạch, ví như việc soạn thảo và công bố những báo cáo tác động môi trường đối với các dự án điện mặt trời và điện gió ở Hoa Kỳ đã mất trung bình khoảng hai năm rưỡi.

- Sự điều chỉnh chính sách, đặc biệt đối với các công nghệ carbon thấp mới phát minh như công nghệ CCS và trung tâm phân phối hydrogen, được coi là rất quan trọng ở cả cấp quốc gia và khu vực. Kết quả là, một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã thiết lập các liên minh cùng tham dự các phiên đấu thầu phát triển trung tâm phân phối hydrogen trong khu vực phù hợp với khoản ngân sách trị giá 7 tỷ USD tài trợ cho trung tâm hydrogen theo quy định tại đạo luật về đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm của Hoa Kỳ.

Các công ty O&G đưa ra quy định về chiến lược đầu tư với lợi nhuận cao bước đầu có thể đem lại những đổi thay một cách dần dần. Nhưng nếu các chính sách đó được triển khai nhanh và người tiêu thụ nhanh chóng thông qua thực tiễn giúp tăng cường khả năng mở rộng và tính thương mại của các giải pháp carbon thấp thì về cơ bản, điều này có thể làm định hình lại một cách cơ bản chiến lược phân bổ vốn đầu tư trung và dài hạn của các công ty O&G.

2. Các khoáng sản quan trọng: Tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách đảm bảo vai trò trong chuỗi cung ứng để xử lý các rủi ro thị trường cuối cùng

Mức đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu hiện đã vượt mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022 do nhận được hỗ trợ bởi các chính sách thuận lợi và thương mại mở cửa các nguồn năng lượng và khoáng sản quan trọng. Sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo đang thúc đẩy nhu cầu về các khoáng sản quan trọng tăng vọt, với nhu cầu lithium tăng gấp ba lần từ năm 2017 đến năm 2022, trong khi đó nhu cầu cobalt và niken tăng lần lượt 70% và 40% trong cùng kỳ tương ứng trên. Tuy nhiên, khi nguồn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng tốc, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, thì điều này không chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc vào những khoáng sản trên mà còn nhấn mạnh sự cấp thiết phải tăng cường quyền sở hữu và chuỗi cung ứng khoáng sản. Yêu cầu này có thể đáng chú ý đặc biệt đối với các quốc gia có mục tiêu thúc đẩy năng lượng sạch đầy tham vọng và phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu khoáng sản (hình 3).

Các khu vực tập trung các khoáng sản thiết yếu

Những điều gì xảy ra bên trong các công ty O&G?

Việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu là tối quan trọng đối với mô hình kinh doanh của công ty O&G, điều mà thường liên quan đến chiến lược hội nhập về phía sau hoặc ký kết hợp đồng mua bán dài hạn. Tuy nhiên, đối với năng lượng tái tạo với lợi nhuận ở mức tương đối khiêm tốn thì các công ty O&G toàn cầu phải đối mặt với những thách thức bổ sung liên quan đến việc tập trung sản xuất và chế biến khoáng sản. Indonesia hiện thống trị hoạt động khai thác và chế biến niken; Trung Quốc thì thống trị thị trường về than chì- graphite (100%), lithium và cobalt (65% đến 75%) và các nguyên tố đất hiếm (90%) (hình 3). Để tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng năng lượng sạch, gần 80% giám đốc điều hành công ty O&G khi được hỏi thì cho rằng họ sẽ cân nhắc đảm bảo sản xuất năng lượng sạch và quyền sở hữu khoáng sản quan trọng, từ đó tận dụng chuyên môn về quản lý khai thác dưới lòng đất và bể chứa cũng như kiến thức pháp lý. Ngoài ra, việc tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch có thể cho phép các công ty O&G tiếp tục phát triển tham gia vào thị trường hàng hóa thay vì phải gánh chịu thêm rủi ro ở những thị trường cuối cùng.

Hơn thế nữa, nhu cầu về lithium ngày càng gia tăng, dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới, đang góp phần thu hút sự quan tâm của các công ty O&G trong việc khai thác lithium từ nước muối- brine (một sản phẩm phụ của mỏ dầu khí) sẽ đem lại biên độ lợi nhuận cao hơn so với các khoáng chất đá cứng thông thường, ví dụ như công ty Occidental Petroleum (Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ) thông qua các công ty liên doanh TerraLithium và ExxonMobil đang cam kết sử dụng diện tích đất nội địa để khai thác lithium từ nước muối. Điều này có thể mang lại tiềm năng đầu tư đáng kể cho các công nghệ như khai thác lithium trực tiếp- Direct Lithium Extraction (DLE) với tỷ lệ thu hồi lithium lên tới 90%. Một số ước tính cho thấy đến năm 2030, khoảng 13% lượng lithium trên thế giới có thể được sản xuất bằng DLE.

Triển khai thận trọng

Việc thúc đẩy năng lực khai thác các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là lithium, có thể sẽ mang lại cho các công ty O&G nhiều cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội mới nổi này, các công ty này cần phát triển các chiến lược giảm thiểu rủi ro nhất định:

1. Nguồn nước thấp: Ước tính có hơn một nửa sản lượng lithium và đồng hiện nay tập trung khai thác ở các khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm về nước rất cao.

2. Thời gian thực hiện kéo dài: Phát triển và khai thác một mỏ khoáng sản mới thường là một quá trình tiêu tốn rất nhiều thời gian do phải đối mặt với thách thức về nhiều quy định và kỹ thuật khác nhau. Do đó, thời gian trung bình từ khi phát hiện khoáng sản cho đến khi khai thác khoáng sản đầu tiên được ước tính kéo dài khoảng 16 năm.

3. Thiếu những nguồn cung đa dạng: Sự tập trung cao độ của một số quốc gia về khai thác tài nguyên sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro, theo đó, mối quan ngại sẽ càng tăng cao đối với lithium, cobalt và các nguyên tố đất hiếm khi mà chỉ tính riêng ba quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới đã chiếm hơn 75% nguồn cung toàn cầu.

4. Chậm trễ trong quy trình cấp phép: Sự chậm trễ trong quy trình cấp phép khai thác mỏ kéo dài cùng với các cuộc tranh chấp kiện tụng đang cản trở việc khai thác các khoáng sản quan trọng. Ước tính thời gian phê duyệt giấy phép trung bình kéo dài khoảng 4,5 năm và thời gian này có thể kéo dài hơn một cách đáng kể đối với các dự án liên quan đến khoáng sản và khai thác mỏ quan trọng.

5. Chuyển đổi mô hình nhu cầu sử dụng: Đổi mới công nghệ kỹ thuật có thể làm giảm gia tăng nhu cầu đối với một số khoáng sản quan trọng hoặc thậm chí gây ra sự chấm dứt sử dụng một cách hoàn toàn. Ví dụ, các thiết kế pin EV khác nhau nên đã dẫn đến việc chuyển từ sử dụng cực âm niken-mangan-cobalt sang cực âm lithium-iron-phosphate.

3. Thương mại năng lượng toàn cầu: Nắm bắt sự năng động ngày càng tăng trong thương mại và các mối hợp tác về năng lượng

Theo truyền thống, dòng chảy thương mại năng lượng được thúc đẩy bởi các tác nhân thị trường, đặc biệt là sự tương tác giữa cung và cầu cũng như sự sẵn có của cơ sở hạ tầng lưu trữ và vận chuyển. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, các dòng chảy thương mại dẫn đến các dòng chảy thương mại năng lượng mới bị gián đoạn, từ đó ảnh hưởng đến mức chênh lệch giá cả và khả năng cạnh tranh công nghiệp khu vực. Tuy nhiên, gần đây nhất, tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông nổi lên như một rủi ro địa chính trị đáng kể đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu (hình 4). Đặc biệt, các nhà quan sát thị trường nêu bật những tác động lớn đối với thương mại nếu tình hình ở khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang kéo dài.

Cải tổ dòng thương mại

Sự can dự năng lượng toàn cầu

Sự năng động gia tăng trong thương mại năng lượng và các mối quan hệ hợp tác kinh doanh đang ảnh hưởng đến ba nhân tố chính sau:

1. Thay đổi dòng chảy thương mại năng lượng: Năm 2021, Nga xuất khẩu dầu mỏ chiếm 27% lượng dầu thô và 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU, chủ yếu thông qua các đường ống dẫn khí một cách có hiệu quả về mặt chi phí. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế của EU áp đối với xuất khẩu năng lượng đã ngày càng thúc đẩy Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu thông qua vận chuyển bằng đường biển. Ví dụ, tỷ trọng xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng từ 20% trước cuộc chiến với Ukraine, lên mức 70% (11/2022). Mặt khác, xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sang thị trường châu Âu năm 2022 đã tăng vọt 141%, tương đương 4 tỷ feet khối khí-bcf/ngày so với mức năm 2021, trong khi đó, xuất khẩu nhiên liệu chưng cất đã tăng 146% chỉ trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Việc châu Âu tiếp tục giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga dự báo sẽ dẫn đến sự gia tăng thương mại năng lượng trong lĩnh vực vận chuyển đường biển mà theo giới phân tích ước tính tăng tới 90% đối với các đội tàu chuyên chở và sản phẩm dầu thô so với mức 88% và 84% lần lượt vào các năm 2023 và 2022. Hơn nữa, động lực tăng trưởng năng lượng ở khu vực Trung Đông có thể góp phần khiến giá năng lượng biến động hơn vào năm 2024.

2. Gia tăng chênh lệch giá giữa các thị trường: Sau lệnh trừng phạt áp đặt lên dầu khí của Nga, mức chênh lệch giá giữa dầu thô Brent và dầu thô Urals đã tăng từ 3 USD/thùng vào năm 2021 lên hơn 37 USD/thùng (4/2022) song đã bị thu hẹp kể từ đó đến cuối năm 2023 thì mức giá chênh vẫn ở mức trên 17 USD/thùng. Tương tự, tỷ lệ giá khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan so với giá khí đốt tự nhiên tại Trung tâm Henry Hub của Hoa Kỳ đã tăng từ 3 lên 8 lần trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2022. Sự chênh lệch giá giữa các loại dầu khí và khu vực có thể đã làm thay đổi khả năng cạnh tranh giữa các nhà máy lọc dầu, công ty hóa chất và các nhà sản xuất trên toàn thế giới. Trên thực tế, sự khác biệt giá cả chưa từng có hiện đang được thể hiện trong việc điều chỉnh biên độ giá giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển cũng như khoảng cách giữa ethylene và ethane so với naphtha và chỉ số mua bán hàng hóa của người điều hành.

3. Giao dịch thương mại năng lượng ngày càng tăng bằng nhiều loại tiền tệ: Hiện ngày càng xuất hiện nhiều giao dịch năng lượng song phương được thực hiện bằng đồng nội tệ của các quốc gia xuất nhập khẩu. Ví dụ, nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu thanh toán các giao dịch năng lượng bằng tiền nội tệ của mỗi nước. Trên thực tế, giao dịch các loại tiền nội tệ thay thế ví như đồng rúp-nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần, mặc dù xuất phát từ mức giao dịch cơ sở thấp từ tháng 2 đến tháng 10/2022. Khi dòng chảy thương mại và sự điều chỉnh địa chính trị tiếp tục diễn ra, điều này có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng thanh toán bằng đồng tiền nội tệ trong các hợp đồng giao dịch năng lượng, góp phần đánh dấu sự chuyển đổi tiềm tàng trong bối cảnh thị trường năng lượng có vai trò đối với thị trường tiền tệ cũng như cân bằng cán cân thương mại của các quốc gia.

4. Áp dụng công nghệ: Khai thác sức mạnh của AI tạo ra các giải pháp đổi mới sáng tạo và tạo ra chuỗi giá trị mới

Hiện nay, ngành công nghiệp O&G luôn dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, cắt giảm chi phí vận hành cũng như nâng cao các giải pháp đảm bảo an toàn và bền vững. Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã nổi lên như một lực lượng biến đổi ngành công nghiệp này, với các ứng dụng trong chuỗi giá trị O&G từ việc thăm dò tài nguyên sơ khai cho đến sự phức tạp của các quy trình chế biến dầu mỏ sau này. Trong số các ứng dụng đó, sự duy trì dự báo dựa trên nền tảng AI là công cụ giúp thu được nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và đảm bảo độ tin cậy vận hành cho ngành công nghiệp O&G hiện đang đứng trước ngưỡng cửa ranh giới AI mới-AI tạo sinh.

AI tạo sinh: Giới hạn tiếp theo

Theo định nghĩa của Viện AI Deloitte nêu tổng quát về AI là một tập hợp nhỏ của trí tuệ nhân tạo, trong đó máy móc tạo ra nội dung mới dưới dạng văn bản, mã hóa, giọng nói, hình ảnh, video, quy trình và thậm chí cả cấu trúc 3D của proteins. Giá trị của AI tạo sinh dành cho ngành O&G có thể được phân loại thành bốn khía cạnh: từ cắt giảm chi phí sản xuất tức thì, nâng cao hiệu quả quy trình, đến tạo ra các dòng doanh thu mới, cuối cùng đạt đến đỉnh điểm là tăng tốc sự chuyển dịch do đổi mới sáng tạo dẫn dắt trong công ty (hình 5).

1. Cắt giảm chi phí sản xuất: Các giải pháp sáng tạo dựa trên AI tạo sinh có thể hỗ trợ các công ty O&G cắt giảm chi phí vận hành sản xuất, đặc biệt là xử lý các thách thức liên quan đến thời gian tạm ngừng hoạt động sản xuất ngoài dự kiến. Trong bối cảnh đó, một giàn khoan dầu khí ngoài khơi có công suất khai thác 200.000 thùng/ngày nếu ngừng hoạt động sản xuất đột ngột khoảng 12 giờ thì có thể dẫn đến sản lượng khai thác bị đình hoãn với trị giá tổn thất ước lên tới 8 triệu USD. AI tạo sinh có thể tiến xa hơn so với AI truyền thống bằng cách tạo ra các kế hoạch bảo trì một cách toàn diện, danh sách sản xuất và đề xuất theo thời gian thực. Điều này không chỉ giúp hạn chế thời gian ngừng hoạt động sản xuất ngoài kế hoạch mà còn giảm thiểu lãng phí tài nguyên do hỏng hóc trang thiết bị, từ đó kéo dài tuổi thọ của các giàn khoan.

2. Hiệu quả quy trình: AI tạo sinh có thể giúp nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách tích hợp và phân tích các nguồn dữ liệu một cách đa dạng, đồng thời có thể hỗ trợ xử lý khéo léo số lượng dữ liệu lớn, bao gồm thông tin địa chất dưới đáy đại dương như thăm dò khảo sát địa chấn, nhật ký khoan khai thác và lịch sử hồ sơ khoan, dẫn đến quy trình khoan thăm dò và khai thác dầu khí được tối ưu hóa.

3. Gia tăng dòng doanh thu: AI tạo sinh còn có thể giúp mở đường cho việc tăng doanh thu sau khai thác và sản xuất dầu khí thông qua khả năng tối ưu hóa việc khoan thăm dò mỏ dầu khí với trữ lượng cao và tăng cường phục hồi trữ lượng hiện có. Trong phân tích dữ liệu địa chấn, AI tạo sinh có thể góp phần tạo ra các mẫu khoan thăm dò bị thiếu hoặc chưa hoàn chỉnh, điều chỉnh cách diễn giải và nâng cao chất lượng dữ liệu tổng thể. Trong mô tả đặc điểm bể chứa, AI tạo sinh cũng có thể tạo ra các mô hình 3D với độ chi tiết cao mô phỏng hoạt động của bể chứa nhằm tối đa hóa khả năng phục hồi, ví như sự hợp tác giữa hãng Shell và SparkCognition (Austin, tiểu bang Texas) sử dụng công nghệ học sâu (DL) để chụp ảnh dưới đáy đại dương, từ đó phát hiện các khu vực mỏ mới và rút ngắn đáng kể thời gian khoan thăm dò từ 9 tháng xuống còn chưa đầy có 9 ngày.

4. Tăng tốc đổi mới sáng tạo: AI tạo sinh còn có thể giúp đẩy nhanh việc phát triển các giải pháp mới bằng cách cho phép thử nghiệm một cách nhanh chóng các ý tưởng và khái niệm mới. Ví dụ, trong lĩnh vực hạ nguồn, các ứng dụng AI tạo sinh có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất các vật liệu đa dạng với năng suất cao hơn và giảm mức tiêu thụ năng lượng và vật liệu cũng như truy vết nhanh quá trình thử nghiệm. Hơn nữa, một AI tạo sinh thiết kết mô hình song sinh kỹ thuật số các đường ống dẫn dầu khí theo kế hoạch có thể mô phỏng nhiều tình huống và tối ưu hóa thiết kế, do vậy, có khả năng làm giảm nhu cầu tạo ra nguyên mẫu vật lý và nâng cao hiệu quả, an toàn và tính bền vững một cách tổng thể. Trên thực tế, các công ty dịch vụ phục vụ mỏ khai thác dầu khí có thể tận dụng các quan hệ hợp tác công nghệ hiện có để phát triển và cung cấp giải pháp công nghệ như một phần bổ sung cho các dịch vụ của mình trong và ngoài ngành O&G.

Gia tăng giá trị và tài sản của doanh nghiệp

Trên cơ sở đó, việc khai thác giá trị trên các khía cạnh này bằng cách sử dụng AI tạo sinh có thể nâng cao tính bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty O&G thông qua sự giám sát lượng khí thải carbon, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và cắt giảm chất thải, đồng thời dự báo sức mạnh khí phát thải trên chuỗi cung ứng của ngành O&G có thể được hưởng lợi từ việc chủ động giải quyết các thách thức về an ninh mạng, thích ứng với các quy định đang phát triển và đảm bảo chất lượng dữ liệu khi tích hợp công nghệ AI.

5. Công nghiệp hạ nguồn: Cải tổ ngành lọc dầu phù hợp với dịch chuyển mô hình nhu cầu phát triển

Hiện có 4 yếu tố khác nhau đang định hình bối cảnh năng lượng (địa chính trị, kinh tế, quy định luật lệ và công nghệ) cũng đã tác động đến ngành dầu khí hạ nguồn toàn cầu. Tình trạng này có thể càng trở nên trầm trọng hơn do sự cắt giảm công suất lọc dầu của nhà máy hóa lọc dầu toàn cầu ở mức 4,5 triệu thùng dầu thô/ngày kể từ năm 2019 đến nay cũng như công suất lọc dầu của Hoa Kỳ giảm tới 1 triệu thùng dầu thô/ngày kể từ đại dịch COVID-19 bởi do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả tác động của đại dịch, thiệt hại sau bão lũ, dự báo nhu cầu tiêu thụ tương lai ở mức yếu hơn cũng như chi phí vận hành sản xuất cao hoặc không thể hoàn tất việc giao dịch hợp đồng mua bán dầu khí hoặc chuyển đổi để sản xuất nhiều nhiên liệu tái tạo hơn.

Ngành công nghiệp lọc dầu hiện đang phải đối mặt với một thời điểm then chốt khi vận hành sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm mới để bù đắp sự suy giảm dài hạn như dự kiến về nhu cầu vận chuyển đối với nhiên liệu hóa thạch dẫn đến việc áp dụng nhiều hơn phương châm lấy khách hàng làm trung tâm hoặc tiếp cận thị trường cuối một cách có định hướng. Do đó, sự kết hợp giữa các lựa chọn thay thế nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp, từ nhiên liệu sinh học và hydrogen cho đến các hóa chất cùng với sự trải nghiệm giàn khoan được thiết kế lại nhằm phục vụ cho sự phát triển của hỗn hợp nhiên liệu, và cơ sở của khách hàng đang trở nên quan trọng đối với sự thành công của ngành công nghiệp hạ nguồn.

Hiện dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong dài hạn với mức tăng hàng năm chỉ 0,4 triệu thùng dầu thô/ngày cho đến năm 2027 so với mức 1,6 triệu thùng dầu thô/ngày cho đến năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu sinh học toàn cầu lại được dự báo sẽ tăng 44% từ năm 2022 đến năm 2027 do nhiên liệu này ngày dần được thay thế các sản phẩm sản xuất từ dầu mỏ. Ngoài ra, tỷ lệ xe điện (EV) trong doanh số bán ra ô tô toàn cầu dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 62% đến 86% vào năm 2030. Để đáp ứng vấn đề này, nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới đang tái định hướng điện khí hóa phần lớn danh mục sản phẩm sản xuất của mình.

Xây dựng khả năng thích hợp

Khoảng cách giữa việc gia tăng các lựa chọn thay thế nhiên liệu carbon thấp và tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô có xu hướng chậm lại nhưng vẫn có dấu hiệu khá tích cực, điều này có thể mang lại cơ hội cho các nhà máy hóa lọc dầu lên kế hoạch chuyển đổi mà không gặp rủi ro làm gián đoạn việc ổn định nguồn tài chính đầu tư. Do đó, các nhà máy hóa lọc dầu có thể đóng vai trò chuyển dịch bằng cách xây dựng các lộ trình chiến lược và thích nghi các khả năng mới trong các lĩnh vực đặc biệt sau:

- Nhiên liệu sinh học: Hiện nay, các nhà máy hóa lọc dầu đã vận hành gần 80% công suất sản xuất dầu diesel tái tạo toàn cầu song có thể gặp khó khăn với nhiệm vụ tận dụng một cách có hiệu quả các khoản trợ cấp và hỗ trợ tài chính nhằm tăng cường chuỗi cung ứng nhiên liệu sinh học. Do đó, việc xem xét các bước đi chiến lược như đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, xử lý các biến động mọi cấp độ và tối ưu hóa chi phí vận chuyển và vấn đề khí phát thải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hiệu quả sản xuất nhiên liệu sinh học và tạo ra sự khác biệt cho hiệu suất của nhà máy lọc dầu nói riêng. Một trường hợp điển hình là liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí Marathon có trụ sở tại Houston, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) với công ty chế biến thực phẩm đa quốc gia ADM (Hoa Kỳ) thành lập một cơ sở chế biến đậu nành chuyên dụng để sản xuất nguyên liệu dầu thực vật tinh chế phục vụ cho sản xuất dầu diesel tái tạo.

- Khí hydrogen và amoniac: Hydrogen và amoniac xanh là hai loại khí có thể đem đến cho các nhà máy hóa lọc dầu một cơ hội hấp dẫn không chỉ giúp cắt giảm lượng khí phát thải mà còn giảm chi phí cho sưởi ấm, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm cho khách hàng ngành công nghiệp. Trên thực tế, hãng BP được cho là đang xem xét việc sản xuất hydrogen xanh tại nhà máy hóa lọc dầu Cherry Point ở tiểu bang Washington (Hoa Kỳ), điều này có thể giúp giảm lượng khí phát thải tương đương khoảng 460.000 tấn carbon dioxide mỗi năm.

- Xe điện (EV): Ngoài việc triển khai lắp dặt các trạm sạc EV và cung cấp dịch vụ di chuyển mới tại các cửa hàng bán lẻ xe, các nhà máy hóa lọc dầu hàng đầu còn sử dụng cơ hội duy nhất để khai phá các ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực sản xuất EV. Ví dụ, công ty năng lượng đa quốc gia Phillips 66 (Houston, tiểu bang Texas) đang tận dụng than cốc đặc biệt để chế tạo vật liệu cực dương hiệu suất cao nhằm sản xuất pin lithium-ion.

- Hóa chất: Trong bối cảnh điện khí hóa ngày càng gia tăng, các nhà máy hóa lọc dầu hàng đầu có thể điều chỉnh lại danh mục sản phẩm sản xuất, trong đó ưu tiên các mặt hàng như hóa chất có ít sự lựa chọn thay thế carbon thấp sẵn có hơn. Ví dụ, hãng ExxonMobil có kế hoạch tăng cường sản xuất sản phẩm chưng cất và hóa chất tại các nhà máy hóa lọc dầu đặt ở Singapore và Vương quốc Anh, đồng thời cắt giảm sản xuất dầu nhiên liệu và dầu mỏ có hàm lượng lưu huỳnh cao.

- Thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS): Các nhà máy hóa lọc dầu và hóa chất có thể tận dụng việc thu giữ carbon để giảm thiểu khí phát thải từ các máy cải tiến khí mê-tan bằng hơi nước, máy nghiền chất xúc tác và hệ thống nhiệt và điện kết hợp. Ví dụ: các công ty Air Liquide (Pháp), Air Products (Hoa Kỳ), các hãng ExxonMobil và Shell đang đặt mục tiêu thu hồi 2,5 triệu tấn khí phát thải/năm tại Porthos CCUS ở Rotterdam (Hà Lan).

Tóm lại, những bên liên quan đến hạ nguồn hiện đang thông qua chiến lược điều chỉnh phù hợp với xu hướng nhu cầu đang tăng và ưu tiên đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng có thể đạt được thành công trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ngành công nghiệp dầu khí có thể mong đợi điều gì vào năm 2024?

Với dòng tiền tài chính lành mạnh, vững mạnh, siết chặt quản lý vốn bền vững và tiến bộ công nghệ nhanh chóng, các công ty O&G dường như đang ở vị trí tương đối thuận lợi để tăng cường tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng vào năm 2024. Điều này có thể đòi hỏi những nỗ lực phối hợp nhằm cắt giảm lượng khí phát thải từ hydrocarbon, đồng thời gia tăng đầu tư vào các giải pháp carbon thấp mang tính kinh tế và có thể mở rộng được. Vào năm 2024, các công ty O&G nên cân nhắc đưa ra quyết định quan trọng như sau:

1. Tình trạng của nền kinh tế: Bất kỳ biến động mạnh nào của đồng đô la Hoa Kỳ so với các loại tiền tệ khác, kết hợp với quỹ đạo của hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng, đều có thể tác động đến lạm phát, gây ảnh hưởng đến giá cả năng lượng. Ngoài ra, tăng trưởng việc làm một cách mạnh mẽ cũng có thể tác động đến việc phải tăng lương, điều này cũng dẫn đến làm tăng nguy cơ lạm phát. Những yếu tố này có thể đóng vai trò làm sâu sắc hơn động lực của thương mại năng lượng và sự ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các lĩnh vực hạ nguồn phụ thuộc vào năng lượng khắp thế giới.

2. Những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị và pháp lý: Sự tương tác giữa OPEC và các đối tác trong việc quản lý nguồn cung năng lượng, cùng với tình hình ở khu vực Trung Đông có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng cung và cầu hydrocarbon. Ngoài ra, các xu hướng khác cũng cần quan tâm theo dõi như mức độ xuất khẩu hydrocarbon, đặc biệt là LNG của Hoa Kỳ và bất kỳ thay đổi quy định nào cũng có thể tác động đến các sáng kiến năng lượng sạch.

3. Công nghệ ảnh hưởng đến xu hướng về ô tô và di chuyển: Quỹ đạo của việc tiêu thụ EV toàn cầu (đang có một số dấu hiệu suy giảm thể hiện qua lượng tồn kho EV ngày càng tăng bất chấp việc các công ty giảm giá thành sản xuất) làm thay đổi mô hình di chuyển, đổi mới trong công nghệ pin, thay đổi trong chuỗi giá trị EV bao gồm tìm kiếm nguồn cung ứng và sản xuất nguyên liệu thô cũng như tiến bộ trong công nghệ chế tạo động cơ, bao gồm cả động cơ đốt trong, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh và chiến lược đầu tư của các công ty tiếp thị và hóa lọc dầu.

4. Triển khai vốn dành cho thượng nguồn: Cách thức và địa điểm nơi các công ty thượng nguồn toàn cầu triển khai đầu tư vốn có thể sẽ báo hiệu những thay đổi cơ bản trong chiến lược đầu tư và thanh toán, cơ cấu danh mục đầu tư và ưu tiên nhiên liệu trong những năm tới. Ngoài ra, thị trường dự báo cũng sẽ giám sát chặt chẽ phương cách các công ty này phân bổ vốn xanh giữa các nguồn điện tái tạo và các lựa chọn thay thế carbon thấp như lưu trữ năng lượng, CCS, hydrogen và nhiên liệu sinh học.

5. Khả năng thích ứng của giàn khoan và nguồn cung ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động: Tính đến tháng 10/2023, số lượng giàn khoan dầu khí của Hoa Kỳ đứng ở mức thấp hàng năm chỉ là 623 giàn khoan, điều này cho thấy khả năng ứng phó một cách hạn chế trước những thay đổi gần đây về giá cả năng lượng. Dự báo năm nay, thị trường sẽ theo dõi chặt tỷ lệ và độ trễ ứng phó của các nhà vận hành khai thác dầu khí, đặc biệt là của các nhà khai thác dầu khí tư nhân. Ngoài ra, sự sẵn có của các giàn khoan hiện tại và giá hợp đồng cho các giàn khoan này sẽ giúp đánh giá mức độ hoạt động và hiệu quả hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Hoa Kỳ.

6. Hoạt động mua bán, sáp nhập và liên doanh: Đề xuất mua lại Pioneer Natural Resources (tiểu bang Texas) với giá 64,5 tỷ USD của ExxonMobil và Hess Corp (tiểu bang New York) của Chevron Corporation với giá 60 tỷ USD có thể mở ra một kỷ nguyên mới của các thương vụ lớn và hợp nhất trong ngành công nghiệp thượng nguồn của Hoa Kỳ. Giá dầu khí hiện neo ở mức khá vững và lượng tồn kho các giếng khoan bị hạn chế (đáng chú ý là tính đến tháng 10/2023, số lượng giếng đã khoan nhưng chưa hoàn thành tại các lưu vực sản xuất dầu đá phiến của Hoa Kỳ đứng ở mức 4.524 giếng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua), điều này có thể thúc đẩy một số khách hàng lớn mua diện tích đất mở mỏ mới và theo đuổi việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất thông qua sáp nhập và mua lại các công ty dầu khí. Trong khi đó, giữa những bất ổn về mặt quy định và địa chính trị, cùng với chi phí vốn đầu tư tăng cao, các khách hàng khác có thể lựa chọn chiến lược thận trọng chờ xem diễn biến tình hình tiếp theo. Một báo cáo phân tích về các giao dịch thượng nguồn gần đây cho thấy rằng, sau khi sáp nhập công ty, cả người mua và người bán đều đã cắt giảm khoảng 30% quy mô số lượng giàn khoan hiện có.

Tuấn Hùng

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trien-vong-nganh-cong-nghiep-dau-khi-the-gioi-nam-2024-703499.html