Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu điện?

Các chuyên gia dự báo nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ và đây là tín hiệu khả quan cho nhóm cổ phiếu ngành điện.

Tình trạng thiếu khí gần đây ở EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và đang thúc đẩy giá than tăng lên. Giá than trộn của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tăng khoảng 30-35% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022. Với Genco2 và Genco3, Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) và Nhiệt điện Hải Phòng (HND) chưa thấy việc điều chỉnh tăng thêm về giá than trộn nhưng ở trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng do giá than trong khu vực tăng cao.

Với giả định giá dầu FO năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 500 USD/tấn (tăng 28% so với cùng kỳ) và 430 USD/tấn (giảm 14% so với cùng kỳ), bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI tính toán, giá khí năm 2022 và năm 2023 được giả định lần lượt ở mức 9,04 USD/mbtu (tăng 17% so với cùng kỳ) và 8,53 USD/mbtu (giảm 6% so với cùng kỳ).

Bà Phương cho rằng, giá khí điều chỉnh sẽ giúp thu hẹp chênh lệch giá bán bình quân giữa nhiệt điện khí và nhiệt điện than. Với đà giảm của giá khí, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với nhiệt điện than.


Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu điện? Hình minh họa

Cùng với đó, giá điện trên thị trường cạnh tranh (giá CGM) có thể vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Giá CGM trong tháng 8/2022 ước tính vào khoảng 1.390 đồng/kwh (tăng 4% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ). Mức giá CGM trong 8 tháng đầu năm 2022 là 1.427 đồng/kwh (tăng 35% so với cùng kỳ).

Với việc giá than đầu vào cho nhiệt điện than tăng lên và nhu cầu điện trên toàn quốc tiếp tục phục hồi, giá CGM có thể duy trì mức giá của tháng 8/2022 trong 4 tháng tới và giá CGM trung bình cả năm 2022 có thể đạt 1.400 đồng/kwh (tăng 41% so với cùng kỳ). Do đó, SSI điều chỉnh tăng 5% cho dự báo giá CGM năm 2022, lên mức 1.370 đồng/kwh.

Trong bối cảnh đó, Công ty CP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE - Mã: NT2) được nhận định sẽ hưởng lợi từ đà giảm của giá khí. Theo đó, với việc điều chỉnh tăng 7% dự báo sản lượng điện và tăng 5% dự báo giá CGM, ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2022 của NT2 tăng lên mức 835 tỷ đồng (tăng 58% so với cùng kỳ). Công ty có thể nhận lại khoản chênh lệch tỷ giá giai đoạn 2015-2019 khoảng 240 tỷ đồng vào nửa cuối năm 2022.

Giá khí giảm và giá than tăng cao đã thu hẹp chênh lệch giá bán bình quân giữa nhà máy nhiệt điện khí và nhà máy nhiệt điện than. Điều này có thể giúp tăng sức cạnh tranh cho các nhà máy điện khí và NT2 trên thị trường điện.

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngành điện, ông Trần Minh Hoàng - Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng cho biết, Việt Nam vào top 50 nước trên thế giới có đóng góp bởi năng lượng tái tạo lớn hơn 10% trong cơ cấu sản lượng và là 1 trong ba nước có tốc độ chuyển đổi sang năng lượng xanh nhanh nhất kể từ năm 2019.

Sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam đã tăng gấp hơn 6 lần từ năm 2019 tới 2021, theo đó tỷ trọng cũng tăng lên tới 13,8% trong tổng sản lượng toàn hệ thống. Chi phí đầu tư năng lượng tái tạo tăng trở lại trong giai đoạn năm 2021-2022 nhưng dự kiến tiếp tục xu hướng giảm trong dài hạn.

Như vậy, trong ngắn hạn, các công ty thủy điện khu vực phía Bắc và miền Trung sẽ được hưởng lợi lớn khi sản lượng phát tăng mạnh so với cùng kỳ đồng thời phát trên thị trường điện giá cao. Các công ty có các dự án thuộc diện điện gió/điện mặt trời chuyển tiếp có thể sẽ được cơ chế giá sớm, giúp nhà đầu tư sớm được bán điện đối với các dự án này.

Đánh giá triển vọng ngành điện cũng cho thấy tiềm năng lớn cho các công ty phát triển dự án năng lượng tái tạo trong dài hạn với quy hoạch điện 8 được thông qua và các dự án được đưa vào quy hoạch, đặc biệt là các dự án điện gió.

Với các đặc điểm như vậy, VCBS đã đưa ra danh sách các công ty tiếp tục có nhiều triển vọng trong thời gian tới, gồm: (1) Các công ty có các nhà máy thủy điện ở khu vực Bắc bộ tới Bắc Trung bộ sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn khi mùa mưa tới đồng thời với La Nina sẽ mạnh trở lại như REE, CHP, TBC, S55, HDG, PC1…; (2) Các công ty có các dự án điện gió chuyển tiếp như GEG, BCG khi có chính sách mới dành cho các dự án đã ký hợp đồng PPA nhưng chưa COD kịp thời hạn 1/11/2021; (3) Các công ty thầu xây lắp các dự án điện gió nhất là điện gió ngoài khơi được ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến 2045 như PC1, TV2, PVS…

Ngoài ra, với việc ưu tiên các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời chủ yếu tập trung ở những khu vực nhất định, đặc biệt là khu vực có phụ tải thấp, sẽ phải cần mạng lưới truyền tải điện liên vùng đủ mạnh để giải tỏa hết công suất và truyền được đến vùng có phụ tải cao

Về dài hạn, triển vọng sẽ dành cho các công ty phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhiệt điện LNG hay các công ty thầu xây lắp nhà máy điện, mạng lưới truyền tải điện như: REE, GEG, HDG, BCG, PV1, TV2, PVS, POW.

kinhtechungkhoan.vn

https://congthuong.vn/trien-vong-nao-cho-nhom-co-phieu-dien-220397.html