Nếu được ký kết, đây sẽ là thỏa thuận
thứ hai giữa Qatar - quốc gia xuất khẩu LNG lớn và Trung Quốc - quốc gia
nhập khẩu LNG nhiều thứ 2 trên toàn thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc
đang tìm biện pháp tăng cường nhập khẩu khí đốt và đa dạng hóa nguồn
cung, nhằm thay thế than đá và cắt giảm lượng khí thải carbon.
Vào
tháng 11/2022, Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) đã công bố đạt
được thỏa thuận với QatarEnergy. Theo đó, gã khổng lồ khí đốt sẽ xuất
khẩu 4 triệu tấn LNG/năm đến Trung Quốc trong vòng 27 năm. Đây là hợp
đồng cung cấp LNG có thời hạn dài nhất mà Qatar từng ký kết.
Một
quan chức ngành dầu mỏ nhà nước ở Bắc Kinh - người từ chối nêu danh
tính vì không được phép trao đổi với giới truyền thông, cho biết: “Những
điều khoản chính trong hợp đồng giữa CNPC và QatarEnergy sẽ có điểm rất
tương đồng với nội dung thỏa thuận giữa Sinopec và Qatar”.
CNPC từ chối bình luận. QatarEnergy cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Ông
Toby Copson - Trưởng bộ phận Giao dịch toàn cầu tại công ty thương mại
khí đốt Trident LNG, nhận xét: “Đây là một động thái tốt cho CNPC, giúp
họ bổ sung được một nguồn cung dài hạn từ một đối tác đáng tin cậy và có
điều kiện tốt. Điều này sẽ tiếp tục bảo vệ thị trường khỏi sự biến
động, giúp đa dạng hóa nguồn cung và tối ưu hóa hoạt động giữa các đơn
vị cung cấp năng lượng thuộc sở hữu nhà nước”.
Vào
tháng 11/2022, Sinopec cho biết, thỏa thuận mua khí đốt là một phần của
“quan hệ đối tác tổ hợp”. Như vậy, tập đoàn Trung Quốc có khả năng đang
xem xét mua cổ phần từ cơ sở xuất khẩu khí đốt từ mỏ North Field.
Hiện hai bên vẫn chưa công bố thêm bất kỳ khoản đầu tư nào.
Mỹ
và Úc vốn là 2 đối thủ lớn nhất của Qatar về mặt xuất khẩu LNG. Khi mối
quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Úc trở nên căng thẳng, các doanh nghiệp
năng lượng quốc gia Trung Quốc chuyển sang tập trung lập hợp đồng với
Qatar, và xem quốc gia này như một mục tiêu an toàn hơn để đầu tư tài
nguyên.
Theo một quan chức khác
trong ngành khí đốt nhà nước, Sinopec và CNPC sẽ không ký những hợp đồng
cung LNG dài hạn như vậy, trừ khi họ đặt hy vọng có được cổ phần nhỏ
trong cơ sở xuất khẩu khí đốt từ khu vực mở rộng của mỏ North Field.
Ông
Saad al-Kaabi - Giám đốc điều hành QatarEnergy, cho biết: QatarEnergy
đang nắm 75% cổ phần trong dự án mở rộng North Field, với giá trị ít
nhất 30 tỷ USD. Tập đoàn sẽ trao 5% cổ phần cho một số khách hàng.
Ông
Kaabi nói thêm, QatarEnergy đang thương thảo thêm với nhiều người mua
tiềm năng. Tập đoàn sẽ có công bố một khi đạt được các thỏa thuận.
CNPC là nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu
của Trung Quốc. Vào năm 2022, tập đoàn đã tăng cường nhập khẩu khí đốt
từ Nga, bằng đường ống và tàu chở dầu, để tận dụng nguồn cung bị cắt đi
khỏi châu Âu.
Dữ liệu hải quan
Trung Quốc cho thấy, kim nhạch nhập khẩu LNG từ Qatar đã tăng 75% trong
hai năm 2021-2022, lên 15,7 triệu tấn, tức 1/4 tổng sản lượng nhập khẩu
trên toàn quốc gia. Mặt khác, tổng kim ngạch nhập khẩu LNG của Trung
Quốc giảm gần 20%.
Ngược lại, từ năm 2021 đến nay, nhập khẩu từ Úc và Mỹ giảm lần lượt là 30% và 77%, xuống còn 21,9 triệu tấn và 2,09 triệu tấn.
Vào
năm trước, QatarEnergy đã chào đón 5 tập đoàn quốc tế lớn vào dự án
North Field. Đây là kế hoạch mở rộng mỏ khí đốt khổng lồ này theo hai
giai đoạn, với mục đích tăng công suất hóa lỏng khí của Qatar từ 77
triệu tấn lên 126 triệu tấn/năm trong thời gian từ nay cho đến năm 2027.
5
công ty lớn, là TotalEnergies, ExxonMobil, ConocoPhillips, ENI và
Shell, đã ký một thỏa thuận liên doanh với QatarEnergy về việc khoản đầu
tư vốn cổ phần vào các cơ sở xuất khẩu khí hóa lỏng.
Ngọc Duyên
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tim-hieu-hop-dong-lng-khong-lo-giua-qatar-va-trung-quoc-678299.html