Thanh tra Chính phủ quyết định tổng lực thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2021 (Quy hoạch điện VII) tại Bạc Liêu.
Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Thanh tra Chính phủ vừa triển khai quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Để chuẩn bị hồ sơ, làm việc với đoàn thanh tra, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chuẩn bị các điều kiện có liên quan để đón tiếp, chủ động phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thu thập hồ sơ, tài liệu; bố trí nơi làm việc.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở TN-MT chuẩn bị đầy đủ tài liệu có liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên địa bàn tỉnh; sẵn sàng làm việc trong mọi tình huống, hỗ trợ và chủ động, tích cực phối hợp với Sở Công thương để cung cấp tài liệu, báo cáo tình hình thực tế quá trình thực hiện đã qua với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ. UBND cấp huyện chuẩn bị hồ sơ liên quan việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại địa bàn (nếu có) và bố trí các điều kiện cần thiết, chủ động, tích cực tham dự các buổi làm việc khi có yêu cầu của đoàn thanh tra.
Việc bùng nổ của điện mặt trời, điện gió giúp bổ sung lượng lớn điện tái tạo vào quy hoạch, gây tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện hoặc bị giảm phát điện
Theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có tính xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Thời điểm thanh tra từ năm 2011 đến hết năm 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời gian thanh tra 85 ngày làm việc tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật).
Tổng thanh tra Chính phủ giao Vụ trưởng Vụ I giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, xử lý hoặc trình Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn thanh tra; Giao Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giám sát hoạt động Đoàn thanh tra.
Cùng với các thành viên của Thanh tra Chính phủ, Quyết định nêu rõ Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Ngoài thanh tra tại tỉnh Bạc Liêu thì tại quyết định này còn 5 tỉnh có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió thời gian qua. Đó là UBND tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước,... cũng sẽ nằm trong kế hoạch triển khai thanh tra.
Theo Báo cáo của Bộ Công thương khi xây dựng Đề án Quy hoạch điện 8 (giai đoạn 2021-2030, có tính tới năm 2045), tại Quyết định 428/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) ký ngày 18.3.2016, có 98 dự án với tổng công suất 57.535 MW được ghi danh. Nhưng hết năm 2020, đã có thêm 384 dự án hoàn toàn mới với tổng công suất 51.552 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong số 384 dự án được bổ sung mới này có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.860 MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.450 MW. Bên cạnh đó, còn có 105.000 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 7.755 MW và được hưởng giá mua điện theo các Quyết định 11/2017 và Quyết định 13/2020 nhưng không được đưa vào kế hoạch trong Quy hoạch điện hiện hành.
Bảo Ngọc