Dự báo trong tương lai gần, năng lượng tái tạo vẫn chưa thể vượt mặt dầu khí. Tuy nhiên, ngành dầu khí đang ở thời điểm bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Một giàn khoan tự nâng ngoài khơi
Đầu tư cho thăm dò và khai thác dầu khí vẫn ổn định
Hơn 400 dự án dầu khí đã được phê duyệt trên toàn thế giới cho năm 2022 và 2023, bất chấp những lời kêu gọi từ bỏ các dự án dầu mỏ mới. AFP dẫn số liệu do tổ chức phi chính phủ Reclaim Finance phân tích dựa trên dữ liệu của Công ty Rystad Energy cho thấy, có tổng cộng 437 dự án liên quan đến khoảng 200 công ty tư nhân và nhà nước tại 58 quốc gia. Số liệu này tính đến ngày 23-11-2023, minh họa cho quan hệ dai dẳng giữa ngành dầu mỏ và các khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Tháng 5-2021, IEA đã đưa ra một cảnh báo gây sốc: “Không cần có dự án dầu khí mới nào ngoài những dự án đã được phê duyệt để phát triển”. Kể từ đó, hai Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) đã được tổ chức mà không đề cập đến dầu khí hay những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bà Lucie Pinson, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Reclaim Finance nói với AFP: “Chúng tôi hoàn toàn phủ nhận tình trạng khẩn cấp về sinh thái và những kết luận mà các nhà khoa học của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra cũng như các dự đoán của IEA”.
2 năm sau báo cáo của IEA, sự mở rộng của nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục: 437 dự án đã nhận quyết định đầu tư cuối cùng kể từ năm 2022. Các dự án này sẽ sản xuất 60% khối lượng dầu và 40% khối lượng khí đốt trong nhiều năm tới.
Trong số các dự án, 57% được thực hiện bởi các công ty quốc gia và 43% thuộc về các công ty tư nhân. 22% liên quan đến 7 ông lớn (BP, ConocoPhillips, Chevron, Eni, ExxonMobil, Shell, TotalEnergies), phần còn lại đến từ các công ty nhỏ hơn. 5 quốc gia có khối lượng sản xuất dầu và khí đốt dự kiến lớn nhất là Qatar (17%), Arập Xêút (13%), Brazil (10%), Mỹ (8%) và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE (6%). Nga có số lượng dự án cao nhất (52), tiếp đến là Na Uy (33). Công ty dầu khí quốc gia Algeria, Sonatrach, có số lượng dự án được phê duyệt cao nhất (22).
10 công ty tham gia nhiều nhất vào các dự án dầu khí chiếm 67% công suất trong tương lai, trong đó 5 công ty quốc gia chiếm 46% và 5 công ty lớn của phương Tây chiếm 21%. Aramco của Arập Xêút, nhà sản xuất vàng đen lớn nhất thế giới, đứng đầu danh sách các nhà phát triển dự án dầu mỏ với 17% sản lượng dự kiến, tiếp theo là ExxonMobil của Hoa Kỳ (12%), Petrobras của Brazil (10%), Adnoc của UAE ngang hàng với QatarEnergy (7%). TotalEnergies của Pháp chiếm 5% sản lượng dự kiến. Đối với sản lượng khí đốt, nhà phát triển lớn là QatarEnergy (30%), tiếp theo là Shell (9%), Aramco (6%) và Adnoc (5%).
Reclaim Finance cho biết nhiều ngân hàng lớn, nổi tiếng với các sáng kiến về khí hậu, trong năm qua vẫn tiếp tục tài trợ cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch trên quy mô lớn. Từ tháng 1 đến tháng 9-2023, 13 tập đoàn dầu mỏ đã thành công trong việc huy động 45 tỉ USD thông qua 40 đợt phát hành trái phiếu.
Trong khi đó, giữa tháng 11-2023, Tổ chức phi chính phủ Urgewald của Đức và 50 tổ chức phi chính phủ đối tác đã công bố phân tích kế hoạch đầu tư của 1.623 công ty dầu khí - đại diện cho 95% sản lượng dầu mỏ toàn cầu (bao gồm nhà sản xuất cũng như nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vận hành các nhà máy điện khí). Theo báo cáo, kể từ năm 2021, chi phí vốn của ngành công nghiệp vào tìm kiếm các nguồn dầu và khí đốt mới đã tăng hơn 30%. Các công ty được khảo sát chi tiêu tổng cộng 170,4 tỉ USD cho những dự án này trong vòng 3 năm qua. Các công ty chính được đề cập trong báo cáo là tập đoàn dầu khí CNOOC, CNPC và Sinopec của Trung Quốc, Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Arập Xêút, Tập đoàn dầu khí quốc gia Pemex của Mexico, công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất Mỹ Pioneer Natural Resources và Tập đoàn Shell của Anh - Hà Lan.
Thăm dò, khai thác dầu khí trước bước ngoặt mới
Không thể loại bỏ dầu mỏ một sớm một chiều
Mặc dù IEA dự đoán nhu cầu dầu và khí đốt sẽ đạt đỉnh toàn cầu vào năm 2030, nhưng ngành này tin rằng sự phát triển của năng lượng tái tạo không đủ nhanh để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Thế giới vẫn “rất cần họ”, ông Wael Sawan, Giám đốc điều hành Shell nói vào tháng 7-2023. Một số nhà khai thác dầu khí châu Âu như Shell, BP và Enel đã cắt giảm các cam kết về năng lượng sạch trong năm qua trước những lo ngại về an ninh năng lượng do xung đột Nga - Ukraine. TotalEnergies dự định tăng sản lượng dầu mỏ lên 2-3% trong 5 năm tới.
Trước Hội nghị COP28 ở Dubai, IEA đã nhấn mạnh một thực tế đáng chú ý: ngành dầu khí có thể phải chịu tình trạng đầu tư vượt mức trong những thập niên tới nếu không điều chỉnh chi tiêu phù hợp với các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, các nhà sản xuất sẽ phải dành một nửa số tiền đầu tư hằng năm cho các dự án năng lượng sạch vào năm 2030. Hiện tại, chi tiêu trong lĩnh vực dầu khí lên tới khoảng 800 tỉ USD mỗi năm, cao gấp đôi so với mức dự kiến vào năm 2030 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.
Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết, ngành dầu khí đang ở thời điểm bước ngoặt. Theo ông, các nhà sản xuất dầu khí trên thế giới cần phải đưa ra những quyết định sâu sắc về vị trí tương lai của họ trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Trong lịch sử, IEA từng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu do thiếu đầu tư vào các mỏ mới. Tuy nhiên, đầu tư vào dầu khí gần đây đã tăng lên. Khoản đầu tư được lên kế hoạch trong năm 2023 tương đương với mức cần thiết trong Kịch bản chính sách đã tuyên bố (STEPS) của IEA. IEA cho biết: “Những lo ngại mà một số chủ sở hữu tài nguyên lớn và một số công ty dầu khí tán thành rằng thế giới đang thiếu đầu tư vào nguồn cung dầu khí không còn phù hợp với công nghệ và xu hướng thị trường hiện nay”.
Theo các nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insights, nhu cầu dầu toàn cầu, bao gồm cả nhiên liệu sinh học, sẽ duy trì ở mức khoảng 31% trong cơ cấu năng lượng toàn cầu cho đến năm 2030, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng 6-8% mỗi năm để đạt 13% tổng nhu cầu năng lượng vào cuối thập niên này, tăng từ 8% vào năm 2022. Nhu cầu dầu và nhiên liệu sinh học toàn cầu sẽ đạt đỉnh khoảng 110 triệu thùng/ngày vào năm 2031.
Có thể nói ngành dầu khí đang ở ngã ba đường. Điều chỉnh mức đầu tư phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu là điều cần thiết để tránh việc đầu tư quá mức và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo IEA, ngành dầu khí đang ở thời điểm bước ngoặt. Các nhà sản xuất dầu khí trên thế giới cần phải đưa ra những quyết định sâu sắc về vị trí tương lai trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Song Phương
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tham-do-khai-