ác chuyên gia cho rằng, sửa dự thảo Quy hoạch điện VIII cần đẩy nhanh năng lượng tái tạo bên cạnh việc loại bỏ bớt các dự án điện than...
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ Công thương rà soát lại Quy hoạch điện VIII lần thứ 3, theo hướng đảm bảo cung cầu nội vùng, tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại COP26, khi Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Cụ thể Bộ Công thương cần đánh giá kỹ thêm mức độ dự phòng nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện từng miền, trong đó có tính đến phương án điều hành bảo đảm cung ứng khi tỷ lệ nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch và phương án cân đối dự phòng công suất nguồn điện nếu không có nguồn điện mặt trời.
Điện gió ngoài khơi hiện vẫn chưa phát triển tại Việt Nam
Bàn về việc sửa Quy hoạch điện VIII thế nào, chuyên gia Đào Nhật Đình, Hội đồng khoa học, Hiệp hội năng lượng Việt Nam nhận định, với lời hứa Net Zero của Việt Nam vào năm 2050 và bỏ điện than vào năm 2040, sẽ đưa nước ta vào thế kẹt về kế hoạch phát triển.
“Quy hoạch điện VIII cũng sẽ không biết sửa thế nào vì nếu 2040 bỏ điện than, hoặc chôn lấp hoàn toàn CO2 thải ra là bài toán hoàn toàn mới”, chuyên gia Đào Nhật Đình nói và cho rằng, về nguồn lực, chúng ta sẽ ở vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Tức là, vừa phải căng ra để chống biến đổi khí hậu, vừa phải chấp nhận tăng giá điện vì tổng công suất điện gió và mặt trời sẽ tăng lên.
"Tăng tỷ lệ điện gió và mặt trời lại cần có điện khí mạnh nhưng chạy hệ số tải thấp, hoặc lưu trữ siêu lớn để hỗ trợ khi mất gió vào buổi tối. Đây là điều rất khó xảy ra!", chuyên gia Đào Nhật Đình băn khoăn.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho rằng, điện gió ngoài khơi (ĐGNK) có bản chất khác và khắc phục được các nhược điểm của các nguồn điện mặt trời hoặc điện gió trên bờ/gần bờ.
Hơn nữa, với cam kết mới, hầu hết các tổ chức quốc tế ngừng tài trợ cho các dự án nhiệt điện, dẫn đến, khả năng trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án nhiệt điện trong tương lai gần.
Do đó, việc phát triển ĐGNK có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, cũng như hướng tới đạt được các mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 vào năm 2050.
Liên quan tới giá điện, ông Sean Huang nhận định, qua kinh nghiệm toàn cầu, việc giảm giá thành sản xuất điện là điều có thể nhanh chóng đạt được.
Đơn cử, tại Vương quốc Anh - thị trường ĐGNK lớn nhất thế giới, giá ĐGNK đã giảm gần 70% khi thị trường đạt quy mô 10GW.
Tại châu Á, Đài Loan cũng đã giảm được 55% giá ĐGNK khi thị trường này đạt mức 5,5GW vào năm 2025 thông qua các cơ chế giá ưu đãi FIT và khung pháp lý để thúc đẩy sự khởi tạo ngành ĐGNK trong nước.
Nhận định về tương lai, ông Sean Huang cho rằng, phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sẽ khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ thiếu điện, khủng hoảng năng lượng như các nước Trung Quốc, Ấn Độ... đang gặp phải.
“Chính sự biến động của giá than, khí là một thách thức đối với Việt Nam trong việc quản lý hoạt động và cân bằng giữa chi phí nhiên liệu và hiệu quả. Do đó, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện tại, Chính phủ có thể xem xét một cách tiếp cận chủ động hơn để phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn”, ông Sean Huang góp ý.
https://www.baogiaothong.vn/thach-thuc-sua-quy-hoach-dien-viii-voi-cam-ket-giam-phat-thai-rong-ve-0-d532672.html