Vào ngày 7/12, các công ty năng lượng lớn của Úc - Woodside và Santos, cho biết đang đàm phán sơ bộ về việc sáp nhập doanh nghiệp. Như vậy, một mối quan hệ hợp tác khác đã xuất hiện giữa làn sóng xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Nếu Woodside nuốt chửng Santos, đây sẽ là thương vụ lớn nhất của công ty ở Úc trong nhiều năm. Sự kết hợp của hai chủ thể sẽ tạo thành nhà khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất trong nước Úc, kiêm nhà cung cấp nhiên liệu siêu lạnh số 2 trên toàn thế giới.
Thật vậy, một công ty Woodside sau mở rộng sẽ có giá trị thị trường khoảng 50 tỷ USD và sản lượng hàng năm là 260 triệu thùng dầu tương đương.
Dựa trên sản lượng của hai công ty vào năm 2022, Reuters dự đoán LNG sẽ chiếm 53% sản lượng, khí đốt ống dẫn chiếm 24% sản lượng, còn 23% sản lượng còn lại là dầu thô khai thác được và khí ngưng tụ.
Với Santos, Woodside sẽ vượt qua TotalEnergies và Petronas của Malaysia nhằm trở thành nhà khai thác LNG lớn thứ sáu trên toàn thế giới, với sản lượng hơn 16 triệu tấn/năm.
Theo ước tính của các nhà phân tích như Bernstein Research, dựa trên mức khai thác năm 2023, gã khổng lồ LNG này sẽ chỉ xếp sau QatarEnergy, Cheniere Energy, Shell, ExxonMobil và Chevron.
Chủ thể mới sẽ có tài sản ở Úc, Alaska, Vịnh Mexico, Senegal, Papua New Guinea, Trinidad và Tobago. Sản lượng ở nước ngoài chiếm gần một phần ba tổng sản lượng cộng lại.
Họ có thể bán những tài sản nào?
Các nhà phân tích cho biết, chủ thể sau sáp nhập sẽ kiểm soát khoảng 26% thị trường khí đốt ở bờ biển phía đông nước Úc, khu vực sinh sống của phần lớn dân số cả nước. Doanh nghiệp cũng sẽ kiểm soát 35% thị trường khí đốt ở Tây Úc, gây nguy cơ thu hút chú ý từ cơ quan quản lý cạnh tranh của nước này.
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) cho biết họ sẽ xem xét về việc thực hiện báo cáo tổng quan công khai về tác động của hoạt động sáp nhập đối với cạnh tranh thị trường.
Một nguồn tin nắm rõ nội dung đàm phán sáp nhập cho biết, các công ty có thể khắc phục những lo ngại trên bằng cách bán đi một số tài sản nhỏ trong nước. Theo các nhà phân tích, tài sản trên đảo Varanus của Santos ở Tây Úc và hoạt động kinh doanh khí đốt từ bể dầu Cooper ở bờ biển phía đông có thể là đối tượng được rao bán.
Tạp chí Tài chính Úc cũng đưa tin, Woodside đang tìm cách bán cổ phần của họ tại mỏ khí đốt Macedon và dự án dầu Pyrenees ngoài khơi Tây Úc. Cả hai đều là tài sản đồng sở hữu với Santos.
Tác động tiềm năng đến thị trường LNG toàn cầu?
Theo giới phân tích, xét thấy Úc nằm gần những khách hàng LNG hàng đầu ở Đông Bắc Á, sau khi sáp nhập, tập đoàn sẽ có nhiều quyền thương lượng hơn trong quá trình giao dịch với người mua, nhờ có danh mục đầu tư lớn hơn với nhiều lựa chọn giao hàng hơn. Tính linh hoạt từ nhiều thiết bị đầu cuối cũng cao hơn.
Doanh nghiệp khổng lồ mới sẽ vận hành 4 nhà máy LNG ở Úc: North West Shelf, Pluto, Darwin và Gladstone. Đồng thời, họ sẽ nắm cổ phần trong nhà máy Wheatstone của Chevron.
Đối với Woodside, phần thưởng lớn sẽ là số cổ phần khổng lồ của hai dự án LNG ở Papua New Guinea – PNG LNG do Exxon quản lý và Papua LNG do TotalEnergies quản lý. Dự kiến cả hai dự án sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng vào năm 2024.
Nhà phân tích Neil Beveridge của Bernstein nió: “Nó sẽ mang lại cho doanh nghiệp mới khả năng đầu tư nhiều hơn, nhưng tôi nghĩ tác động lớn nhất, là tạo ra được một công ty có danh mục LNG lớn hơn, có thể thách thức các công ty dầu mỏ lớn thông qua nhiều trung tâm xuất khẩu LNG”.
Những khách hàng mua LNG từ các dự án của Woodside và Santos gồm có JERA và Tokyo Gas của Nhật Bản, Kogas của Hàn Quốc.
Ngọc Duyên
Nguồn:Sáp nhập Woodside và Santos sẽ có tác động nào đến thị trường năng lượng? (petrotimes.vn)