OPEC cảnh báo EU rằng việc thay thế dầu Nga là "gần như không thể" |
Như vậy, phía OPEC+ đã xác nhận giữ nguyên quyết định giảm hạn ngạch khai thác từ tháng 11, vốn được đưa ra để hỗ trợ giá dầu. Trong khi đó, Mỹ không hài lòng với hành động trên, vì quyết định đó đã gây cản trở đến nỗ lực làm giảm giá bán lẻ xăng trong nước.
Cũng từ đó, giá của hai loại dầu thô được dùng làm tham chiếu trên thị trường thế giới đã giảm. Dầu Brent Biển Bắc và WTI của Mỹ chỉ nằm trong khoảng 80 - 85 USD/thùng, quá thấp so với mức đỉnh hơn 130 USD/thùng của tháng 3 - thời điểm cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu.
Về tổng thể, OPEC hoan nghênh chiến lược của họ, nói rằng: “Đó là hành động nên làm để ổn định lại thị trường”.
Cuộc họp tiếp theo đã được ấn định vào ngày 4/6/2023, nhưng OPEC+ cho biết sẵn sàng họp “bất cứ lúc nào” trước thời điểm đó để thực hiện “những biện pháp bổ sung ngay lập tức” nếu cần.
Lấy nước Nga làm tiêu điểm
Đây là một quyết định được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến nhanh, khác với truyền thống họp mặt trực tiếp tại thành phố Vienna - trụ sở chính của OPEC.
Theo ông Giovanni Staunovo - Chuyên gia phân tích của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), OPEC đưa ra quyết định trên vì họ “không chắc chắn về tác động sẽ xảy ra đối với hoạt động khai thác dầu thô của Nga” một khi các lệnh trừng phạt mới đi vào hiệu lực.
Một trong số những lệnh trừng phạt đó sẽ bao gồm một kế hoạch mà Nga đang lên tiếng phản đối kịch liệt: Áp trần giá dầu thô Nga - một chính sách do EU - G7 - Úc thiết kế. Những quốc gia này sẽ sớm công bố chi tiết đầy đủ về kế hoạch.
Cũng vào ngày hôm nay (5/12), lệnh cấm vận dầu thô hàng hải từ Nga của EU sẽ bắt đầu có hiệu lực. Lệnh trừng phạt này sẽ giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu Nga của EU xuống còn 1/3.
Mục tiêu của những biện pháp này nhằm tước đi các phương tiện mà Nga có thể dùng để tài trợ cho cuộc chiến Nga - Ukraine.
Hiện nay, giá dầu thô Urals của Nga dao động quanh mức 65 USD/thùng, chỉ cao hơn mức trần 60 USD một chút. Như vậy, đề xuất về chính sách áp trần trên đang tạo ra tác động khá hạn chế trong ngắn hạn.
Song, Điện Kremlin đã cảnh cáo rằng họ sẽ ngừng cung cấp dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp dụng chính sách này.
Ông Craig Erlam - Nhà phân tích tại sàn giao dịch ngoại hối Oanda cho biết, lời cảnh cáo này đặt một số quốc gia “vào một vị trí rất khó chịu: hoặc từ bỏ cơ hội mua dầu thô giá rẻ, hoặc tự đưa bản thân vào tầm ngắm của các lệnh trừng phạt từ phía G7”.
Giá dầu chới với
Theo ông Giovanni Staunovo, quyết định của OPEC+ còn xuất phát từ một yếu tố khác: “Trung Quốc quyết định nới lỏng một phần chính sách Zero Covid, giúp thị trường giảm phần lo ngại”.
Các nhà đầu tư đang “nín thở” theo dõi nhu cầu của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này, vì Trung Quốc chỉ cần một dấu hiệu nhỏ nhất về suy thoái kinh tế hay dịch bệnh bùng phát trở lại đều gây tác động trực tiếp lên giá dầu thô.
Trong bối cảnh ảm đạm trên và những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, giá của dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI đều đã giảm khoảng 8%, tính từ thời điểm kết thúc cuộc họp đầu tháng 10 của OPEC+.
Từ những yếu tố trên và lựa chọn thận trọng của OPEC, ông Edoardo Campanella - Nhà phân tích tại Ngân hàng UniCredit (Ý), dự đoán rằng liên minh có thể sẽ có hành động “mạnh tay” hơn, như một lời cảnh báo đến phương Tây vì đã có ý định điều chỉnh giá dầu trên thị trường và “chọc giận” OPEC+ với quyết định này.
Ông cảnh báo: “Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu”, và khơi dậy thêm sự tức giận từ Mỹ. Trước đó, Mỹ từng đàm phán hạ giá với Ả Rập Xê-út, nhưng không thành.
Ngọc Duyên
Nguồn:Quyết định của OPEC+ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng toàn cầu? (petrotimes.vn)