Các nước phương Tây đang quay lại với năng lượng hạt nhân, đồng nghĩa với việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ Nga.
Nhà máy điện hạt nhân Byron ở bang Illinois (Mỹ) đang hoạt động hết công suất - Ảnh: AFP
Năng lượng hạt nhân hiện cung cấp khoảng 20% lưới điện của Mỹ và 25% điện ở châu Âu.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, loại năng lượng này lại đang bị "ruồng rẫy" bởi nhiều lý do như chi phí cao, khó khăn trong việc xử lý chất thải hay tay nghề xây dựng giảm sút.
Phương Tây chào đón năng lượng hạt nhân
Thời gian gần đây, những đòi hỏi về một nguồn năng lượng sạch cùng sức ép giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga đã thu hút ngày càng nhiều nước quay lại với điện hạt nhân.
Ở Mỹ, lò phản ứng Vogtle-3 thuộc nhà máy điện hạt nhân Vogtle (bang Georgia) vừa hòa lưới điện hồi đầu tháng 4-2023 sau nhiều năm "đắp chiếu". Dự kiến vào quý 4-2024, lò phản ứng Vogtle-4 cũng sẽ sản xuất điện cho thị trường.
Cũng trong tháng 4-2023, Phần Lan đã cho Olkiluoto 3 - lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu - đi vào hoạt động sau 18 năm xây dựng.
Olkiluoto 3 đánh dấu lò phản ứng hạt nhân mới đầu tiên của châu Âu trong 16 năm qua, dự kiến sẽ cung cấp 1/3 điện năng tiêu thụ của quốc gia Bắc Âu.
Bên trong lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto của Phần Lan - Ảnh: AFP
Trước đó, vào tháng 11-2022, Ba Lan đã chọn Công ty điện lực Westinghouse của Mỹ làm nhà thầu cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này. Nhà máy sắp được xây sẽ có 3 lò phản ứng, với chi phí xây dựng rơi vào khoảng 20 tỉ USD.
Ông Patrick Fragman - giám đốc điều hành của Westinghouse - tự tin rằng xã hội Mỹ đang ngày càng chấp nhận điện hạt nhân nhiều hơn. Ông Fragman chia sẻ: "Chúng tôi đang ở vị thế khác nhiều khi trước và chúng tôi cũng đã học được rất nhiều từ quá khứ".
Một khảo sát được Công ty tư vấn và phân tích Gallup công bố hôm 25-4 xác nhận sự lạc quan của ông Fragman, khi có đến 55% người dân Mỹ ủng hộ điện hạt nhân, cao nhất từ năm 2012 đến nay.
Chính Mỹ đã phá giá nhiên liệu hạt nhân
Năng lượng hạt nhân được xem là giải pháp để các nước phương Tây thoát phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt từ Nga. Song, Nga lại đóng vai trò vô cùng quan trọng với chuỗi cung ứng uranium được làm giàu - thành phần quan trọng cho nhiên liệu hạt nhân.
Thực tế cho thấy dù đã cấm vận dầu mỏ và khí đốt, Mỹ vẫn không thể cấm vận nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Các thùng chứa uranium từ Nga được chuyển đến vùng Dunkirk, Pháp - Ảnh: AFP
Năm 1993, không lâu sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã đạt thỏa thuận mua 500 tấn uranium được làm giàu. Khối lượng uranium đủ cho 20.000 đầu đạn hạt nhân này đã được xử lý thành nhiên liệu cho các lò phản ứng.
Thỏa thuận này mang lại lợi ích ba bên: Nga có được khoản tiền mình rất cần, Mỹ có nguồn nhiên liệu giá rẻ, còn thế giới thì giảm được hiểm họa vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng để lại hậu quả là làm phá giá nhiên liệu hạt nhân. Các nhà cung cấp của Mỹ và châu Âu không thể cạnh tranh giá thành với nhiên liệu Nga, do đó đã bắt đầu ngừng hoặc giảm đáng kể quy mô sản xuất.
Từ đó, Nga vươn lên thành nhà cung cấp uranium được làm giàu lớn nhất thế giới, với gần một nửa sản lượng toàn cầu.
Chạy trời không khỏi nắng
Trước khi thỏa thuận trên hết hạn vào năm 2013, các công ty tư nhân Mỹ đã tiếp tục ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu hạt nhân mới với Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom trực thuộc Chính phủ Nga.
Theo phân tích gần đây của Viện Dịch vụ hoàng gia thống nhất - cơ sở nghiên cứu quân sự hàng đầu của Anh, các công ty Mỹ đã trả cho Rosatom lên đến 1 tỉ USD trong năm 2022.
"Số tiền này đang đi thẳng đến các cơ sở quốc phòng Nga. Chúng ta đang cấp vốn cho cả hai bên tham chiến", ông Scott Melbye, chủ tịch Hội sản xuất uranium Mỹ, nhận định.
Viễn cảnh lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu Nga trở nên rõ ràng hơn khi nhiều nhà đầu tư và chuyên gia, trong đó có tỉ phú Bill Gates, khuyến nghị một mô hình lò phản ứng mới, hứa hẹn sẽ "ít rủi ro và thân thiện với môi trường hơn thế hệ hiện tại".
Mô hình này yêu cầu một loại nhiên liệu đặc biệt, với nhà cung cấp duy nhất là Tập đoàn Rosatom.
Ông Jeff Navin - giám đốc đối ngoại của TerraPower, công ty sắp xây lò phản ứng đầu tiên ở bang Wyoming - phân tích nước Mỹ đang đứng trước hai lựa chọn, "hoặc tự xây dựng dây chuyền sản xuất nhiên liệu ngay, hoặc đợi chờ phép màu xảy ra ở nước khác".
Cho đến khi một trong hai viễn cảnh trên thành hiện thực, các nước phương Tây vẫn sẽ phải lệ thuộc vào nhiên liệu Nga.
Ngọc Đức
Nguồn:Phương Tây còn phụ thuộc nhiên liệu hạt nhân Nga - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)