Phân tích chiến lược năng lượng của Nhật Bản

Thứ Sáu (1/12), tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than trên đất Nhật mà không có hệ thống thu hồi hoặc lưu trữ CO2.

Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn không thay đổi chiến lược vấp nhiều tranh cãi của Nhật Bản về việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than hiện có bằng cách sử dụng amoniac làm nhiên liệu song song.

Tại sao thông báo của Thủ tướng Kishida lại vô nghĩa?

Ngày Hai (4/12), bà Kimiko Hirata, Giám đốc điều hành của Climate Integrate, một tổ chức tư vấn môi trường độc lập của Nhật Bản, nói với AFP rằng thông báo này của Thủ tướng Kishida không có gì mới vì sẽ không còn bất kỳ dự án xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới nào ở Nhật Bản.

Nhật Bản muốn xây dựng thêm nhà máy điện than cũng không thể thực hiện được vì không tổ chức tài chính tư nhân nào muốn tài trợ cho các dự án than mới ở Nhật Bản, bà Hirata nói thêm.

Thông báo của Thủ tướng Nhật Bản Kishida không liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than mới đang được xây dựng hoặc sắp đi vào hoạt động.

Nhật Bản đang hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng nào?

Theo số liệu chính thức trong năm tài khóa của Nhật Bản (từ ngày 1/4/2022 - 31/3/2023), 30,8% tổng điện năng của Nhật Bản được sinh ra từ các nhà máy nhiệt điện than. Xứ sở hoa anh đào này thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà máy điện khí đốt (chiếm 33,7% tổng hỗn hợp năng trong giai đoạn 2022-2023), trong khi điện hạt nhân chỉ chiếm 5,6% do bị ảnh hưởng từ thảm họa Fukushima năm 2011.

Quá trình phát triển năng lượng tái tạo của Nhật Bản chủ yếu nhờ vào năng lượng mặt trời, chiếm 21,7% tổng sản lượng điện trong giai đoạn 2022-2023. Đến giai đoạn 2030-2031, Nhật Bản muốn giảm tỷ trọng điện than và khí đốt tự nhiên xuống lần lượt là 19% và 20% trong cơ cấu năng lượng, đồng thời tăng tỷ lệ điện hạt nhân lên 20-22% và năng lượng tái tạo lên 36-38%.

Do đó, Nhật Bản quyết liệt phản đối việc từ bỏ điện than đến năm 2030, trong khi Pháp và Anh hy vọng các nước G7 sẽ đi theo con đường này. Hôm thứ Bảy (2/12), Mỹ đã hứa sẽ đóng cửa các nhà máy điện đốt than mà không thu giữ CO2.

Amoniac nên đóng vai trò gì?

Để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 mà không phải đóng cửa các nhà máy điện than và khí đốt, Nhật Bản đang triển khai chiến lược sử dụng amoniac, đầu tiên sẽ sử dụng để làm nhiên liệu song song với than, sau đó sẽ là nhiên liệu duy nhất.

JERA - nhà cung cấp điện chính của Nhật Bản - có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm 20% amoniac tại một nhà máy nhiệt điện than gần Nagoya vào cuối tháng 3/2024. Loại khí có nguồn gốc từ hydro này có ưu điểm là không thải ra CO2 khi đốt. Bên cạnh đó, amoniac đã được sản xuất và bán rộng rãi trên khắp thế giới, chủ yếu dùng cho phân bón.

Tại sao chiến lược này của Nhật Bản lại gây tranh cãi?

Các chuyên gia về khí hậu chỉ ra nhiều nhược điểm khiến kế hoạch của Nhật Bản không khả thi cả về mặt môi trường lẫn kinh tế. Theo các chuyên gia, việc sử dụng amoniac như một nhiên liệu song song sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận hành của các nhà máy điện đốt than, thải ra nhiều CO2. Amoniac còn thải ra các chất ô nhiễm khác như oxit nitơ (NOx), vốn cần phải được thu giữ.

Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 99% tổng sản lượng amoniac hiện nay bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch. Để thực sự tuân theo lộ trình "không phát thải", cần phải sản xuất một lượng lớn amoniac "xanh" bằng năng lượng tái tạo, hoặc ít nhất là "xanh lam" bằng cách thu hồi và lưu trữ CO2 trong quá trình sản xuất, đồng thời phải tính đến lượng khí thải phát sinh trong quá trình vận chuyển amoniac đến Nhật Bản.

Theo nhà phân tích Leo Roberts tại tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G, chiến lược amoniac của Nhật Bản chỉ để kéo dài thời gian hoạt động của cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch hiện có.

Các chuyên gia môi trường thậm chí còn lo ngại hơn khi Nhật Bản tích cực thúc đẩy chiến lược amoniac của mình ở nước ngoài, như ở Đông Nam Á. Hiện Nhật Bản đang bơm hàng tỷ USD vào sáng kiến mới mang tên "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC). Theo Tổ chức phi chính phủ môi trường Nhật Bản Kiko Network, sáng kiến này có thể trì hoãn các nỗ lực giảm phát thải và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong khu vực.

 

Ý Thiên

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phan-tich-chien-luoc-nang-luong-cua-nhat-ban-701082.html