Ổn định chính sách cho năng lượng tái tạo: - Nghịch lý và lãng phí

Với những hứng khởi từ chính sách, nhiều nhà đầu tư đã đổ nguồn lực vào năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, những vướng mắc về thực thi chính sách đang gây ra thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư, đồng thời, mỗi năm có hàng tỷ kWh điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam bị lãng phí.

“Đắp chiếu” chờ cơ chế

Khu vực Tây Nguyên những năm gần đây đang nổi lên như thủ phủ của ngành công nghiệp NLTT với làn sóng đầu tư mạnh mẽ ở lĩnh vực điện mặt trời, điện gió. Tây Nguyên đặc biệt ghi dấu vào bản đồ NLTT Việt Nam với hai dự án lớn nhất cả nước nằm ngay tại tỉnh Đắc Lắc: Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam và Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp... Thế nhưng, về Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, chúng ta không khó để bắt gặp những trụ điện gió trắng toát, cao hơn 100m, nhưng cánh quạt nằm bất động trên nền núi đồi xanh sẫm.

Xót xa khi chứng kiến những trụ điện gió hàng nghìn tỷ đồng đang chịu cảnh phơi mưa nắng chờ gỉ sét, ông Lê Văn Tiến, Phó giám đốc Nhà máy điện gió Nam Bình 1 (huyện Đăk Song, tỉnh Đắc Nông) cho biết: "Nhà máy đã hoàn thành gần một năm nhưng đến nay, cả nhà máy hơn 1.000 tỷ đồng vẫn đứng yên. Dự án điện gió này chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia là do chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió được hoàn thành sau ngày 31-10-2021. Nhà máy hoàn thành nhưng phải nằm “đắp chiếu” đã khiến phương án tài chính của dự án bị phá vỡ, gây thiệt hại lớn với nhà đầu tư. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp đang phải gánh khoản lỗ 10 tỷ đồng. Đây chỉ là chi phí để quản lý, duy trì, bảo dưỡng nhà máy, chưa tính các khoản lãi vay hay trả gốc”. 


Hoạt động tại Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh, Ninh Thuận. Ảnh: KIÊN ĐÔ.

Trong khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có quy mô điện gió lớn nhất với 17 dự án, có tổng công suất khoảng 1.200MW. Theo đại diện Sở Công Thương Gia Lai, hiện toàn tỉnh có 9 dự án điện gió công suất 629MW đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại và đấu nối lên hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân cũng là do chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió hoàn thành sau ngày 31-10-2021. Điều này đã làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án, gây lãng phí đầu tư xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng cũng như sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia trong 6 tháng với khoảng 4,5 tỷ kWh (nếu tính theo giá bán điện tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thì doanh thu bán điện khoảng 8.676 tỷ đồng).

Không chỉ dự án điện gió của một số tỉnh ở Tây Nguyên rơi vào tình cảnh này, theo Bộ Công Thương, khi giá ưu đãi cố định (FIT) cho điện mặt trời hết hạn ngày 31-12-2020, giá ưu đãi cố định cho điện gió hết hạn ngày 31-10-2021, vẫn còn nhiều dự án, phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không vào kịp thời hạn được hưởng giá FIT. Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479MW đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện; 5 dự án, phần dự án điện mặt trời, tổng công suất 452,62MW cũng đang chờ xác định giá bán điện; một số dự án khác đang triển khai dở dang.

Theo nhiều nhà đầu tư, việc thiếu cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời trong khoảng gần hai năm qua đã gây thiệt hại vô cùng lớn, không chỉ lãng phí nguồn năng lượng xanh trong bối cảnh nước ta luôn đứng trước nguy cơ thiếu điện mà điều này đẩy nhiều doanh nghiệp tới bờ vực phá sản. Bởi lẽ, họ đã đổ lượng vốn lớn vào hoàn thành các dự án điện, nhưng nhà máy sau khi hoàn thành vẫn phải chờ cơ chế giá, trong khi đa phần các dự án đều phải vay vốn ngân hàng, phải chịu sức ép trả lãi và gốc.

Thường xuyên cắt giảm công suất

Bên cạnh khoảng trống chính sách về giá đối với phát triển dự án điện tái tạo, nhiều nhà đầu tư còn chỉ ra một khó khăn, thách thức lớn khác về giải tỏa công suất các dự án NLTT. Các dự án điện gió, điện mặt trời kịp hoàn thành công nhận vận hành thương mại để được hưởng giá FIT cũng luôn thường trực nỗi lo bị cắt giảm công suất huy động. Các nhà đầu tư nhìn nhận, đây là lãng phí và rủi ro lớn đối với doanh nghiệp khi nguồn thu không bảo đảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thanh toán nợ ngân hàng, chi trả chi phí vận hành hằng tháng, trả lương công nhân.

Câu chuyện của Dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 do Công ty Cổ phần Bắc Phương đầu tư tại tỉnh Bạc Liêu là một ví dụ. Dự án có tổng công suất 100MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Khi Dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 hoàn thành, dự kiến hằng năm sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân khoảng 340 triệu kWh. Nhưng theo ông Mai Quang Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện gió Bắc Phương, thành viên Công ty Cổ phần Bắc Phương, tình trạng cắt giảm công suất của Nhà máy điện gió Đông Hải 1 đang diễn ra thường xuyên, có thời điểm nhà máy phải cắt giảm lên tới 30% công suất. Nguyên nhân được giải thích là do hiện tượng thừa nguồn, quá tải lưới điện nên EVN đã cắt giảm sản lượng huy động từ các nhà máy điện gió, điện mặt trời.

“Việc bán điện phập phù như hiện tại gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy, cũng như thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng. Hiện nay, vì sự an toàn chung của hệ thống điện, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận bị cắt giảm, nhưng tình hình kéo dài sẽ rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Nguồn thu của doanh nghiệp chỉ từ bán điện. Vì vậy, nhà đầu tư mong muốn các cấp quản lý làm thế nào giải được bài toán để nhà máy chạy hết công suất”, ông Mai Quang Huy bày tỏ.

Nghịch lý trên không phải mới xảy ra. Vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng lại có dự án điện mặt trời, dự án điện gió kêu cứu. Tháng 9-2021, trước nguy cơ bị cắt giảm 60% công suất nhà máy, nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời ở tỉnh Kon Tum, như: Công ty TNHH Little Tuscany, Công ty Cổ phần Đầu tư Điện Ngọc Wang, Công ty TNHH An Lạc INC, Công ty TNHH Solar Kon Tum... đã gửi công văn đến Tổng công ty Điện lực miền Trung, Công ty Điện lực Kon Tum. Các doanh nghiệp cho rằng, mức huy động rất thấp này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại chính sách khuyến khích phát triển năng lượng theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các bên.

Nhìn vào số liệu về công suất phát của điện gió, điện mặt trời và sản lượng điện do EVN huy động vào năm 2021 cho thấy, tuy công suất lắp đặt chiếm 27% tổng công suất nguồn điện của cả nước, nhưng sản lượng điện từ NLTT được huy động chỉ chiếm tỷ lệ 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/on-dinh-chinh-sach-cho-nang-luong-tai-tao-bai-2-nghich-ly-va-lang-phi-705542