Điểm mới của Quy hoạch Điện VIII là giảm phụ thuộc năng lượng nhập khẩu,
tăng chủ động tự cung, tự cấp bằng phát triển các nguồn năng lượng tái
tạo trong nước.
Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt
nhất quán quan điểm: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện
lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền
vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống
nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển điện phải
có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc
lên trên hết, trước hết.
|
Quy hoạch đã tăng cao quy mô các nguồn năng lượng tái tạo, vốn có tiềm năng lớn của Việt Nam |
Phát
triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn
điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả,
có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển
đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí
thấp nhất.
Theo Bộ Công Thương,
từ năm 2015, từ quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng, Việt Nam đã trở
thành nước nhập khẩu năng lượng. Các tính toán trước đây và cho đến bây
giờ cho thấy, nếu không có tính toán căn cơ, giải pháp sớm thì sẽ tiếp
tục nhập ròng năng lượng lớn trong xu thế chung của khu vực Đông Nam Á,
song hiện không dễ gì nhập khẩu than, khí hóa lỏng vì sẽ đẩy giá gấp 4
lần so với hiện nay.
Tuy nhiên,
với sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây
dựng Quy hoạch điện VIII, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển
bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên
thế giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo
đánh giá của chuyên gia, quy hoạch điện VIII đã đưa ra mục tiêu nhằm
giảm phụ thuộc năng lượng nhập khẩu, tăng chủ động tự cung, tự cấp bằng
phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong nước.
Với
tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch đã tăng cao quy mô các nguồn năng lượng tái
tạo, vốn có tiềm năng lớn của Việt Nam (tiềm năng kỹ thuật 600 GW điện
gió ngoài khơi, trên 960 GW điện mặt trời các loại…).
Điểm
mới cụ thể được Quy hoạch cũng nêu và nhận định về tình hình nghiên cứu
ứng dụng quốc tế, cũng như dự kiến sử dụng một số dạng năng lượng mới
(khí trộn, hydro, amoniac trong tương lai) và nhận định về các công nghệ
mới (như lưu trữ năng lượng, linh hoạt hệ thống điện).
Trên
cơ sở bài toán tối ưu, Quy hoạch đã đưa ra tổ hợp 11 kịch bản phát
triển, lựa chọn và đề xuất kịch bản có chi phí cực tiểu, đáp ứng mục
tiêu về tăng cường tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo và giảm ô nhiễm khí
nhà kính.
Điểm nhấn trong Quy
hoạch sẽ không xây dựng thêm nhiệt điện than sau năm 2030, từng bước
trộn và chuyển sang nhiên liệu sinh khối, hoặc amoniac; ưu tiên phát
triển điện khí và cũng định hướng chuyển dần sang đốt trộn nhiên liệu,
tiến tới đốt hoàn toàn hydro, amoniac trong dài hạn và sau năm 2035
không phát triển nguồn điện LNG mới.
Quy
hoạch điện VIII đã đưa cụ thể danh mục các dự án nguồn điện lớn, ưu
tiên quan trọng cấp quốc gia. Đối với các nguồn năn lượng tái tạo (điện
gió, mặt trời, thủy điện, điện sinh khối, điện rác) và các nguồn khác,
dự thảo đã đưa ra tổng quy mô công suất phát triển các nguồn điện gió,
mặt trời theo phạm vi 6 vùng và theo chu kỳ 5 năm, thuận tiện cho việc
lập kế hoạch, điều hành, điều chỉnh và giám sát thực hiện quy hoạch.
Đây
là một quy hoạch được thiết kế mang đậm chất chuyển dịch năng lượng -
Định hướng chuyển đổi dần nhiên liệu khỏi nhiên liệu hóa thạch từ các
nhà máy điện than, điện khí sang biomass, amoniac, khí trộn, hydro… vào
cuối vòng đời công trình, trước năm 2050.
Theo
nhận định của chuyên gia năng lượng, mặc dù có những thách thức là hiện
nay một số công nghệ nhiên liệu sạch còn đang ở quy mô nghiên cứu, thử
nghiệm và ứng dụng ở một vài lĩnh vực, một vài quốc gia, chưa thương mại
hóa và phổ biến, giá thành còn cao, chưa cạnh tranh với các loại hiện
hữu, nhưng xu thế là các công nghệ đó sẽ phát triển nhanh cùng với giảm
giá thành. “Điều thuận lợi là không riêng Việt Nam mà có gần 150
quốc gia đã cam kết chống biến đổi khí hậu bằng đưa phát thải khí nhà
kính về “không ròng” vào năm 2050, hoặc 2060, công nghệ và nhiên liệu
sạch sẽ thúc đẩy “cầu”, ắt sẽ sớm có “cung”- các chuyên gia nhấn mạnh.
Việt Duy
Nguồn:https://congthuong.vn/noi-dung-moi-quan-trong-va-can-thiet-cua-quy-hoach-dien-viii-254292.html