Những thách thức về năng lượng toàn cầu trong năm 2023

Các nhà phân tích phác thảo 5 thách thức quan trọng đối với vấn đề năng lượng toàn cầu trong năm 2023.


Những thách thức về năng lượng toàn cầu trong năm 2023

Bản đồ năng lượng toàn cầu sẽ thay đổi trong năm 2023 khi Nga không còn là nhà cung cấp chính cho Châu Âu. Ảnh: AFP

Bản đồ năng lượng toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào? Giá năng lượng cao ngất sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo? Bối cảnh công nghiệp sẽ thay đổi ra sao? Những tác động kinh tế lâu dài sẽ là gì? Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ ảnh hưởng đến hành động khí hậu như thế nào? Đây là năm câu hỏi quan trọng mà các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới cần tìm ra câu trả lời thỏa đáng để hỗ trợ chính phủ trong năm 2023 nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp và nhằm đảm bảo một tương lai bền vững hơn.

Các nhà nghiên cứu lập luận, trong năm qua, thị trường năng lượng đã ở trên "chiếc tàu lượn siêu tốc", do đó năm 2022 sẽ đi vào lịch sử như một năm khủng hoảng năng lượng do hậu quả của chiến dịch quân sự Nga ở Ukraina.

Bản đồ năng lượng toàn cầu thay đổi như thế nào trong năm 2023?

Theo nhà nghiên cứu Simone Tagliapietra của Khoa Khoa học Chính trị và Xã hội, Đại học Cattolica del Sacro Cuore (Italia), các sự kiện trong năm qua đã thay đổi cơ bản vị trí của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu và định dạng của những thị trường đó. Các liên minh mới đang được xây dựng và các liên minh cũ được củng cố. Về phần mình, Liên minh Châu Âu (EU) đang tiếp cận các nhà cung cấp khí đốt lớn như: Na Uy, Algeria và Mỹ, cũng như các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Châu Phi và Trung Đông. Nga đang chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ Châu Âu sang Châu Á.

Châu Âu sẽ chứng kiến việc giảm tiêu thụ khí đốt lâu dài do sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và chuyển sang các giải pháp năng lượng xanh. Đối mặt với kịch bản này vào năm 2023, "các nhà nghiên cứu cần xem xét, liệu các bước như vậy có đủ để bù đắp cho lượng nhập khẩu bị mất của Nga và tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hay không" - chuyên gia Tagliapietra nói.

Giá năng lượng cao sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo?

Mức độ mà các quốc gia có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh là một câu hỏi quan trọng cho năm 2023. Giá dầu và khí đốt toàn cầu cao tạo động lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp lắp đặt các tấm pin mặt trời và máy bơm nhiệt để giảm hóa đơn năng lượng, như nhiều người đã làm năm nay ở Châu Âu.

Bối cảnh công nghiệp sẽ thay đổi như thế nào?

Chi phí cao và nguồn cung cấp năng lượng hạn chế sẽ tổ chức lại các ngành công nghiệp, bao gồm các quy trình và địa điểm. Một số lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm nhôm, phân bón và các hóa chất khác, đang bắt đầu chuyển sang những nơi cung cấp năng lượng rẻ hơn, chẳng hạn như Mỹ hoặc Trung Đông. Các ngành công nghiệp khác cũng đang đổi mới.

Những tác động kinh tế lâu dài sẽ là gì?

Năm 2023 sẽ mang lại sự rõ ràng về xu hướng "phi toàn cầu hóa" và chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Một số nhà kinh tế dự đoán rằng xu hướng này sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu khi thị trường bị phân mảnh. Các nhà nghiên cứu cũng cần theo dõi điều gì xảy ra với sự phân công lao động toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ sạch và cắt giảm chi phí của các tấm pin mặt trời ngay từ đầu - kết hợp giữa đổi mới ở Mỹ, đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất và trợ cấp ở Châu Âu. Nếu các quốc gia hành động cô lập và làm như vậy hoàn toàn mang tính cạnh tranh, vòng tròn đạo đức này có thể bị phá vỡ.

Theo nhà nghiên cứu Tagliapietra và Andreas Goldthau - Giám đốc Trường Willy Brandt tại Đại học Erfurt (Đức), cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội trong và giữa các quốc gia. Các hộ gia đình dễ bị tổn thương, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chi phí năng lượng tăng cao.

Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ ảnh hưởng đến hành động khí hậu như thế nào?

Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không hài lòng với phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng năng lượng; các nước giàu đang chuyển sang sử dụng than đá để thay thế hàng nhập khẩu của Nga nhưng lại kêu gọi các quốc gia nghèo hơn cố gắng hết sức để giảm phát thải carbon.

Theo hai nhà nghiên cứu Simone Tagliapietra và Andreas Goldthau, các nhà khoa học xã hội và chính trị cũng như các nhà kinh tế cần xác định cơ chế song phương, khu vực và đa phương phù hợp nhất để thúc đẩy tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực như đã cam kết trong hiệp định khí hậu Paris, cũng như cần phải đánh giá lại các biện pháp giảm phát thải carbon xuyên biên giới.

 

Khánh Minh

Nguồn: Những thách thức về năng lượng toàn cầu trong năm 2023 (laodong.vn)