G7 và Australia nhất trí thông qua kế hoạch áp giá trần với các lô dầu thô Nga; Bộ trưởng Năng lượng UAE cho rằng dầu thô đang ở chế độ suy giảm trong dài hạn... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.
1. Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, các nước G7 và Australia sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng đã nhất trí thông qua kế hoạch chưa từng có về áp giá trần với các lô dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển. Mức giá trần với dầu thô Nga dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12 trong khi các sản phẩm dầu tinh chế bị giới hạn giá từ ngày 5/2 năm sau.
Nguồn tin cho hay: "Liên minh đã đồng ý rằng giá trần sẽ là mức giá cố định được xem xét thường xuyên. Điều này sẽ làm tăng tính ổn định của thị trường và đơn giản hóa việc tuân thủ quy định nhằm giảm thiểu gánh nặng cho các bên".
Giá trần ban đầu áp dụng cho dầu mỏ Nga chưa được công bố, nhưng sẽ có trong vài tuần tới.
2. Tại Hội nghị năng lượng ADIPEC, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei cho hay, dầu thô đang ở "chế độ suy giảm" trong dài hạn.
Đầu tuần này, OPEC đã trình bày Triển vọng Dầu Thế giới hàng năm tại ADIPEC, trong đó dự báo rằng nhu cầu về dầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2045. Dầu dự kiến sẽ giữ thị phần lớn nhất trong hỗn hợp năng lượng, chiếm gần 29% thị phần vào năm 2045.
3. Theo FT, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu cho năm 2023 và đưa ra cảnh báo cho giới lãnh đạo EU.
Người đứng đầu IEA, Fatih Birol, đã đưa ra cảnh báo với các nhà lãnh đạo EU để tránh mất cảnh giác với giá xăng giảm gần đây, khiến họ phải nhanh chóng nghĩ tới việc đảm bảo nguồn cung cho không chỉ mùa đông sắp tới mà còn là năm sau.
4. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi 13,5 tỷ USD để giúp giảm chi phí năng lượng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ trình bày về kế hoạch của ông Biden trong chuyến dừng chân tại hội trường và cơ sở đào tạo của công đoàn Boston. Để biến điều này thành hiện thực, chính quyền của Biden sẽ sử dụng 4,5 tỷ USD từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh để giúp trang trải chi phí cho các hộ gia đình Mỹ.
5. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, dữ liệu theo dõi tàu thuyền do Bloomberg tổng hợp cho thấy.
Vào tháng 10, xuất khẩu LNG của Nga đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức được thấy lần cuối vào tháng 3, ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
6. Một ủy ban chuyên gia về khí đốt ở Đức đã đệ trình đề xuất cuối cùng lên Chính phủ, kêu gọi giới hạn giá khí đốt ở mức 12 euro cent/kilowatt giờ để đáp ứng 80% lượng khí đốt tiêu thụ của các hộ gia đình bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 4 năm 2024, Reuters đưa tin.
Đề xuất, nếu được Chính phủ Đức chấp nhận, sẽ đưa giá khí đốt trung bình hiện tại cho tháng 10 giảm từ 18,6 euro cent/kWh xuống 12 euro, theo Reuters. Số tiền này có thể giúp tiết kiệm cho các hộ gia đình Đức hơn 1.000 euro mỗi năm.
Bình An
Nguồn: Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 31/10 - 5/11 (petrotimes.vn)