Năm 2022, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Hệ thống điện Quốc gia được trang bị các thiết bị hiện đại. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (ĐĐQG), ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc ĐĐQG cho biết, năm nay, ĐĐQG tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Theo đó, ĐĐQG chấp hành kỷ luật vận hành, đảm bảo 100% các thao tác, đóng điện nghiệm thu, xử lý sự cố an toàn, chính xác không gây mở rộng sự cố. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dự báo phụ tải ngắn hạn, dài hạn, chất lượng dự báo các nguồn điện không điều khiển được; trong đó có năng lượng tái tạo, điện mặt trời áp mái, các nguồn điện gió dự kiến vào vận hành trong năm 2021
ĐĐQG sẽ nghiên cứu các vấn đề mới, chuyên sâu trong bối cảnh hệ thống điện có quy mô ngày càng lớn và xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay nguồn năng lượng hoá thạch trên thế giới.
Đồng thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp về tăng cường khung pháp lý và các giải pháp về vận hành ổn định nguồn năng lượng tái tạo (NLTT).
Đặc biệt tính toán giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời đảm bảo điều kiện về ổn định, tính toán giới hạn thâm nhập của điện mặt trời theo từng giai đoạn.
Mặt khác nghiên cứu, đề xuất lắp đặt các thiết bị tích trữ năng lượng phù hợp với mức độ gia tăng nguồn NLTT trong hệ thống điện để bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn vận hành.
ĐĐQG lập danh sách nhân lực trực ca vận hành theo thứ tự ưu tiên Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, ĐĐQG sẽ tính toán phân bổ sản lượng cho các tổng công ty điện lực, mô phỏng thị trường điện bán buôn theo quy định đảm bảo công bằng, minh bạch với các bên tham gia.
Đồng thời tính toán lập kế hoạch vận hành thị trường điện, lập lịch huy động ngày tới, chu kỳ tới đảm bảo 100% phương thức đạt mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua điện.
Trong năm 2022, ĐĐQG tiếp tục lập kế hoạch vận hành và điều độ huy động nguồn điện với khung thời gian tối thiểu 30 phút để giảm sai lệch giữa kế hoạch vận hành và thực tế huy động của các nhà máy điện.
Bên cạnh đó, quản lý vận hành hệ thống hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin đáp ứng 100% công tác chỉ huy vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện Việt Nam; Nghiên cứu nâng cấp hệ thống lập lịch huy động thị trường điện và hệ thống thanh toán để sử dụng phần mềm Plexos; Nghiên cứu các cơ chế mới của thị trường điện theo các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Để chuẩn bị chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong năm 2022 và các năm tới, nhất là chuẩn bị nhân lực cho thị trường điện bán buôn, theo ông Nguyễn Quốc Trung, ĐĐQG tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển dụng kỹ sư mới và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn.
Cùng với đó, thực hiện các khóa đào tạo về an ninh bảo mật, phát triển hệ thống cho các kỹ sư SCADA đáp ứng các yêu cầu về vận hành an toàn hệ thống SCADA/EMS trong tình hình mới.
Bên cạnh việc lập và triển khai đào tạo chuyên gia về tính toán hệ thống điện nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong vận hành hệ thống điện quy mô lớn và sự tham gia của nhiều nguồn năng lượng mặt trời trong thời gian sắp tới, ĐĐQG còn tìm kiếm, ký kết hợp tác giữa Trung tâm và các cơ sở đào tạo của các nước tiên tiến để bồi dưỡng, đào tạo, phát triển và nâng cao kiến thức kỹ năng trong thực hiện công việc các kỹ sư chức danh.
Đồng thời tiếp tục hợp tác với các Trường Đại học, Trung tâm đào tạo có uy tín trong nước nhằm tìm nguồn sinh viên thực tập, kỹ sư trẻ, có năng lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của trung tâm trong trung và dài hạn.
ĐĐQG cũng xây dựng cơ chế cấp học bổng, trả thù lao thực tập cho các sinh viên năm 3, năm cuối có kết quả xuất sắc tại các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Trung tâm nhằm đón đầu và lựa chọn được các nhân sự phù hợp. Mặt khác, tăng cường ứng dụng đào tạo thực tế kỹ sư chức danh trên hệ thống SCADA/EMS, khai thác tối đa Trung tâm điều độ dự phòng trong đào tạo kỹ sư chức danh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2022, ĐĐQG kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị lên Bộ Công Thương về việc rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung các quy định pháp lý liên quan đến vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Theo đó, tập trung vào các nội dung như thứ tự huy động nguồn điện, quy định về công tác dự báo, vận hành các nguồn NLTT cũng như các nguồn phân tán, tự điều độ, cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ phụ trợ, quy định về thanh toán giá CAN với các nhà máy thủy điện, cơ chế khuyến khích phát triển NLTT tại miền Bắc, quy định và cơ chế phát triển các loại hình công nghệ tiên tiến như FACTS, HVDC, Back-to Back, tích trữ năng lượng ...
Tập đoàn cũng chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải Quốc gia (EVNNPT), các Tổng công ty điện lực, các Tổng công ty phát điện, nhà máy điện, các Ban Quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn, lưới điện, các công trình bù công suất phản kháng nhằm nâng cao độ tin cậy vận hành lưới điện, đảm bảo cung ứng điện cho phụ tải và khả năng giải tỏa các nguồn điện, xuất nhập khẩu điện.
Tập đoàn tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình, UBND thành phố Hà Nội và Công ty cổ phần Nước sạch Sông Đà nhằm sớm có giải pháp lấy nước không phụ thuộc vào việc huy động của Thủy điện Hòa Bình do ảnh hưởng của việc đảm bảo cung cấp điện miền Bắc phụ thuộc rất lớn vào huy động tối ưu và tiết kiệm của nhà máy này./.
https://bnews.vn/nhieu-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-van-hanh-he-thong-dien-va-thi-truong-dien/228299.html