Nhà máy thủy điện Hòa Bình vừa đạt mốc sản lượng 250 tỷ kWh điện sản xuất, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Cụ thể, lúc 2g5p ngày 25/5, Nhà máy thủy điện Hòa Bình chính thức đạt mốc sản lượng 250 tỷ kWh điện. Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng từ năm 1979, có 8 tổ máy vận hành với tổng công suất lắp đặt là 1.920MW. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Việt Nam và cũng là một trong những công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Trong hệ thống điện quốc gia, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện. Toàn bộ 8 tổ máy có khả năng chuyển đổi nhanh giữa các chế độ làm việc nên nhà máy luôn đảm nhận tốt vai trò điều tần và điều áp, góp phần duy trì ổn định chất lượng điện năng cho cả hệ thống.
Lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình và kíp trực vận hành chứng kiến thời điểm Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt sản lượng 250 tỷ kWh điện
Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu. Hồ chứa công trình đã tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Việc vận hành, điều tiết hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình với dung tích trên 9 tỷ m3 đã giúp cho vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.
Nhà máy còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh cùng các hoạt động sản xuất khác. Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm khoảng 65 - 70% tổng lượng xả từ tất cả các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc.
Đồng thời, trong suốt mùa cạn, nhà máy thực hiện phương thức phát điện duy trì dòng chảy tối thiểu luôn lớn hơn dòng chảy tự nhiên để nâng mức nước hạ lưu thêm từ 0,6 - 2,5 m, giúp cho các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng; tạo điều kiện kết nối giao thương giữa khu vực miền núi Tây Bắc với Đông Bắc Bộ thuận tiện hơn.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu
Không chỉ thực hiện tốt các nhiệm vụ chống lũ và phát điện, hàng năm, Công ty Thủy điện Hòa Bình còn đóng góp nguồn kinh phí đáng kể vào ngân sách của Nhà nước và địa phương. Những năm gần đây, công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình 1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm, nộp thuế tài nguyên cho tỉnh Sơn La 300 - 450 tỷ đồng/năm, đóng góp tiền dịch vụ môi trường rừng cho 6 tỉnh thuộc lưu vực phía thượng nguồn sông Đà trên 200 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, lòng hồ sông Đà còn đảm bảo tốt nhu cầu giao thông thủy để tàu có trọng tải trên 1.000 tấn lưu thông trên sông Đà, đặc biệt chuyên chở hàng siêu trường, siêu trọng trong giai đoạn xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La và Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Tiến Đạt
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Nha-may-thuy-dien-Hoa-Binh-dat-moc-san-luong-250-ty-kWh-dien-6-166-10264