Ngăn chặn hội chứng đầu tư theo phong trào

Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, lợi ích của nó thì không cần phải bàn cãi. Nhưng phát triển như thế nào là một câu chuyện cần xem xét thấu đáo.

Nhìn thẳng vào sự thật

Việt Nam là quốc gia có nhu cầu sử dụng điện khá cao, với mức tăng trưởng nhu cầu điện năng khoảng 10%/năm. Trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn cơ bản khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt điện khí, điện than giá cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thế giới... Bên cạnh đó là cam kết COP 26.

Việt Nam cũng là quốc gia có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời.. Vì vậy, Việt Nam không thể chậm trễ trong xu hướng phát triển NLTT.

Phát triển năng lượng tái tạo nói chung mang lại nhiều lợi ích như đảm bảo nguồn cung năng lượng xanh, sạch; mang lại lợi ích về kinh tế, việc làm, khí hậu, cải thiện chất lượng không khí địa phương và sức khỏe con người.

Điều này hoàn toàn đúng và không còn gì để bàn cãi. Thế nhưng việc phát triển như thế nào để hài hoà, bền vững, đảm bảo đáp ứng đa mục tiêu, đa lợi ích là một câu chuyện không dễ dàng.

Chúng tôi đã từng khuyến nghị về việc cần cân nhắc việc bổ sung các dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII vượt quá tổng nhu cầu điện. Bởi lẽ theo dự thảo, dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW. Tăng trưởng điện cũng sẽ tăng trong vòng 10 năm tới nhưng sau đó sẽ giảm dần.

Tuy nhiên đến thời điểm này, nhu cầu đăng ký của các địa phương, tính đến năm 2030 là khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt.

Và gần đây, nhiều địa phương đều có định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo trở thành 1 trụ cột kinh tế. Và mong muốn hơn là trở thành trung tâm năng lượng tái tạo. Dường như đang có một xu hướng phát triển điện năng lượng tái tạo theo kiểu phong trào.

Câu hỏi đặt ra là: Đầu tư như vậy có lãng phí khi nhu cầu điện chỉ có một giới hạn nhất định? Có tính toán đến gánh nặng đầu tư hệ thống truyền tải điện Quốc gia; các khó khăn trong quản lý, vận hành, yếu tố kỹ thuật; giá bán điện cuối cùng; Và các yếu tố môi trường, xã hội khác như quy hoạch sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và nhân dân địa phương...

Đơn cử như về vấn đề môi trường, hiện có khoảng hàng triệu tấm quang năng của các dự án điện mặt trời đang hiện hữu với tuổi thọ khoảng 20 năm nhưng giải pháp xử lý vẫn đang được Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu.

Hay đối với điện gió, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra điện gió sản sinh ra 2 loại tiếng ồn: (i) Tiếng ồn cơ học - phát ra trong quá trình làm việc của các chi tiết cơ khí. (ii) Tiếng ồn khí động học - phát ra trong quá trình tương tác của cánh tua bin với luồng gió.

Điều này có thể gây ra ô nhiễm tiếng ồn. Bên cạnh đó còn có những rung động tần số thấp: Một tua bin gió công suất 1 MW có thể gây ra các rung động tần số thấp (truyền qua nền đất) ở mức có thể làm rung kính cửa trong các tòa nhà nằm cách 60m; Ảnh hưởng đến radio và TV: Các kết cấu thép của phong điên, đặc biệt là các cánh gió có khả năng làm nhiễu đáng kể các tín hiệu radio và TV. Tua bin gió càng lớn, tín hiệu càng bị nhiễu..


Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhưng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

Cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật

Liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, ngay sau khi giá FIT cho điện mặt trời, điện gió hết hiệu lực, từ đó đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực phối hợp với các Cục, Vụ trong Bộ nghiên cứu chính sách nhằm phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 17/BC-BCT ngày 27/01/2022 về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp và có đề xuất, kiến nghị “Giao Bộ Công Thương xây dựng và ban hành Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió nêu trên”.

Trên cơ sở cuộc họp ngày 17 tháng 02 năm 2022, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 55/TB-VPCP ngày 26 tháng 02 năm 2022 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại mục “2. Về đề xuất giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian theo quy định…: Yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đúng quy định của pháp luật”.

Ngày 24 tháng 3 năm 2022, Bộ Công Thương có Tờ trình số 1513/TTr-BCT về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Trên cơ sở cuộc họp ngày 13 tháng 4 năm 2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3790/VPCP-CN ngày 20 tháng 6 năm 2022 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành “yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đúng quy định của pháp luật”.

Theo đó, Bộ Công Thương rà soát quy định pháp luật hiện hành và tại khoản 4 Điều 29 Luật Điện lực (được sửa đổi bổ sung năm 2012) quy định chính sách giá điện: “Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá ... do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực”; tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực “Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện…” và điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP: “Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm phê duyệt khung giá phát điện.

Như vậy, theo Luật Điện lực thì khung giá điện sẽ do Bộ Công Thương ban hành và đảm bảo tính tự quyết của bên mua điện ở đây là Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua đàm phán, hiệp thương… mua điện từ các dự án chuyển tiếp đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực.

Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã gửi văn xin ý kiến của các Bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm sớm hoàn thiện dự thảo về cơ chế, chính sách trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định quan điểm và mục tiêu rõ ràng là: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT, năng lượng mới, năng lượng sạch; nhằm hướng tới mục tiêu tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

Trong Dự thảo quy hoạch điện VIII cũng đã bám sát Nghị quyết này và xác định ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045. Đặc biệt, ưu tiên hơn đối với điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi.

Ưu tiên là vậy, song nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc phát triển hệ thống nguồn điện, trong đó có nguồn điện năng lượng tái tạo cần tính toán kỹ lưỡng trong mối quan hệ tổng thể, vừa xuất phát từ địa phương, vừa cân đối toàn hệ thống, vùng miền, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, nhà đầu tư. Và quan trọng hơn là "phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết".

Việc tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho năng lượng tái tạo nói riêng và nguồn điện nói chung là điều cần phải làm và làm nhanh. Nhưng có lẽ các doanh nghiệp, địa phương cũng cần nhìn thẳng vào thực tế để đưa ra quyết định của mình trong việc định hướng, lựa chọn dự án, nhà đầu tư, tránh việc lãng phí như nhiều người đang đề cập.

Ng. Vũ

https://congthuong.vn/bai-3-ngan-chan-hoi-chung-dau-tu-theo-phong-trao-220956.html