Năng lượng “xanh” gây thất nghiệp nghiêm trọng tại châu Âu?

Chính phủ Pháp, như bao quốc gia thành viên EU, đã quyết định hủy bỏ kế hoạch sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân và than nhiệt. Với cái lạnh của mùa đông ở châu Âu và hiệu ứng “boomerang” từ những biện pháp trừng phạt áp đặt lên khí đốt và dầu mỏ từ Nga, những quyết định chính trị này đang gây ra những tác động phá hoại nền kinh tế và việc làm.

Năng lượng “xanh” gây thất nghiệp nghiêm trọng tại châu Âu?

Thật vậy, các chính trị gia đã kêu gọi tiết kiệm năng lượng và thông báo cắt điện theo đợt. Quyết định sử dụng những nguồn năng lượng “xanh” của các nước EU sẽ phá hủy nền sản xuất công nghiệp của họ, giảm số lượng việc làm và giảm mức sống của người dân. Hiện nay, nền kinh tế Pháp, và vận mệnh sống còn của các doanh nghiệp, đều phụ thuộc vào thời tiết.

Họ làm quảng cáo cho điện “xanh”. Tập đoàn điện lực quốc gia Pháp EDF hiện đang thực hiện một chiến dịch quảng cáo chiếu bóng đèn thắp sáng trên cỏ xanh, với slogan: “Nếu bạn chọn Điện Xanh (Vert Electrique), bạn sẽ hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (thủy, gió, mặt trời)! Bạn tự hỏi, điều đó được thực hiện bằng cách nào? Được thực hiện bằng cách đưa một lượng năng lượng xanh tương đương với mức tiêu thụ của bạn vào mạng lưới điện”.

Cũng trong lúc này, ông Loïk Le Floch-Prigent - cựu CEO của Tập đoàn khí đốt Gaz de France (GDF), khẳng định: “Tôi muốn nói với bạn rằng, Chính phủ không chỉ có một kế hoạch nhằm đối phó với nguy cơ phải cắt điện”. Cuối năm 2022, ông Loïk Le Floch-Prigent đã khẳng định lại quan điểm của ông trên CNEWS. Ông nói rằng: “Chúng ta vốn đã luôn độc lập về năng lượng, cho đến khi một vài cá nhân cụ thể lên nắm quyền và cho rằng đó là một điều không đáng nói. Chúng ta đã luôn là một quốc gia có chủ quyền về năng lượng. Vào năm 1973, chúng ta vấp phải cuộc khủng hoảng dầu mỏ do quyết định từ phía OPEC. Sự kiện này đã dẫn đến sự phát triển của các mỏ khí đốt và dầu mỏ ở Biển Bắc, sau đó, chúng ta đặt chân vào ngành năng lượng hạt nhân và trở thành một quốc gia có chủ quyền, độc lập”. Khi được hỏi về giả thuyết cắt điện vào mùa đông năm nay ở Pháp, ông tuyên bố: Điều đó sẽ phụ thuộc vào “thời tiết mùa đông năm nay và tổng thể năng lực điện hạt nhân của EDF. Họ cần hồi sinh những nhà máy điện hạt nhân còn đang bị đóng cửa”.

Vẫn trên CNEWS, khi ông Loïk Le Floch-Prigent nhận ra rằng các nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa đi vào hoạt động, ông đã lên tiếng về tình hình bất thường này: “Thông thường, vào ngày 1 tháng 1 hàng năm, tất cả các nhà máy điện hạt nhân đều phải sẵn sàng - 56 lò phản ứng hạt nhân. Nhưng đây, là lần đầu tiên mọi thứ không phải như vậy”. Ông tố cáo “sự chậm trễ trong hoạt động bảo trì của một số cơ sở” và “nỗi sợ hãi về nguy cơ lò phản ứng bị ăn mòn”. Theo ông, đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân chỉ vì sợ rủi ro ăn mòn thành lò là một lý do “không hề” hợp lý. Tệ hơn nữa, bằng cách đề cập đến “hàng chục khả năng”, ông cáo buộc chính phủ Pháp: “Chúng ta đã có thể hoàn thiện Flamanville (nhà máy hạt nhân ở vùng Normandie) từ lâu. Tương tự, chúng ta đã có thể thiết kế một chương trình để khởi động lại Fessenheim (nhà máy hạt nhân ở miền đông bắc Pháp). Không ai xem xét đến những khả năng này. Hậu quả là ngày nay, chúng ta phải nghĩ tới chuyện cắt điện, chẳng phải vậy sao? Nhưng liệu chúng ta có kịp khởi động các nhà máy điện hạt nhân kịp thời hay không, và liệu chính phủ có đưa ra một biện pháp khẩn cấp hay không?

Ông Loïk Le Floch-Prigent thì cho rằng Chính phủ Pháp không có kế hoạch khẩn cấp. Ông than thở: “Hãy nhớ lại khẩu hiệu quảng cáo của EDF. Giải pháp khẩn cấp của Chính phủ là nói rằng: ‘Chúng ta sẽ có turbine gió, chúng ta phải tạo thêm chúng’. Tôi thấy rất lo cho những mùa đông sắp tới”. Tại Pháp, Chính phủ đã gửi cho các tỉnh trưởng một công văn về việc chuẩn bị “cắt điện diện rộng theo mục đích và chương trình”. Biện pháp sẽ áp dụng trong trường hợp căng thẳng năng lượng tăng cao. Nỗi sợ hãi về nguy cơ cắt điện chiếm sóng mọi bản tin, vì quyết định sử dụng những nguồn năng lượng “xanh” các nước EU sẽ phá hoại nền công nghiệp sản xuất của họ, giảm số lượng việc làm và giảm mức sống của người dân”.

Trên blog cá nhân, ông Loïk Le Floch-Prigent tố cáo: “Thảm kịch hiện tại” đã làm gia tăng hóa đơn năng lượng trên khắp nước Pháp. Ông viết: “Nhiều nhà sản xuất phải mua năng lượng với giá cao gấp 5 - 6 hóa đơn của họ trong 3 năm tới”. Ông tố cáo giới chính trị không sẵn sàng phản ứng nhanh chóng bằng cách từ bỏ chính sách lý tưởng về một nền năng lượng xanh: “Những phản ứng yếu của toàn bộ nền công nghiệp cho thấy, chúng ta đã thất bại và chúng ta phải tiến hành chẩn đoán thiệt hại để khắc phục tình huống. Rõ ràng chúng ta muốn đề xuất điều ngược lại, chúng ta muốn cải cách thay vì tự nhìn lại bản thân, thế nên chúng ta không tự cho mình bất kỳ cơ hội thành công nào cả!” Hơn nữa, ông còn lên tiếng cáo buộc: “Trước hết, từ hơn 20 năm nay, tự tay chúng ta đã dàn xếp kế hoạch loại bỏ đi một phần sản lượng điện khỏi cơ cấu năng lượng toàn quốc để đẩy giá lên và làm thỏa mãn các nhà hoạt động chống độc quyền của châu Âu. Chúng ta đã đóng cửa các lò phản ứng, chúng ta không xây dựng những lò phản ứng mới, chúng ta không bảo trì đúng cách những lò hiện có”. Chúng ta từng là nhà xuất khẩu điện nhờ có số lượng nhà máy điện hạt nhân chiếm 75% cơ sở sản xuất điện toàn quốc và giá cả hấp dẫn để làm EDF hài lòng. Nhưng chúng ta lại muốn phá hủy hướng đi này, và chúng ta đã làm được, nhờ có sự giúp đỡ của Ủy ban Châu Âu. Chúng ta ưu tiên đưa năng lượng mặt trời và gió vào mạng lưới điện, cũng như tạo ra một thị trường nhân tạo bao gồm những “nhà cung cấp” không hề tham gia vào khâu sản xuất, vận chuyển hay phân phối!”

Tạp chí trực tuyến Contrepoints của Pháp đã nhắc lại một nghiên cứu do Scotland công bố vào năm 2011. Theo đó, nghiên cứu đã xác nhận rằng, cứ mỗi một công việc trong mảng năng lượng xanh được tạo ra thì sẽ có 3,7 công việc khác bị mất đi. Tạp chí cũng viết thêm: “Dữ liệu này xác nhận những gì chúng tôi đã quan sát thấy ở Tây Ban Nha và các quốc gia khác: Tạo ra những công việc “xanh” sẽ phá hủy những công việc khác, vì các nguồn lực đã bị chuyển hướng, các nguồn nhiên liệu hóa thạch dồi dào thì bị tước đoạt”. Từ đó, các cơ quan công quyền đã được thông báo về hậu quả của năng lượng “xanh”. Vào tháng 9 năm 2021, theo cảnh báo của kênh truyền hình Pháp TF1, trong “hai nghiên cứu được thực hiện, không có nghiên cứu nào định lượng được lợi thế của năng lượng tái tạo” đối với lợi ích tạo việc làm.

Vào tháng 7 năm 2022, Cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp (ADEME) đã công bố một báo cáo về giải pháp để đạt trạng thái trung hòa carbon tại Pháp, từ nay cho đến năm 2050. Báo cáo chỉ ra rằng “quá trình chuyển đổi sinh thái, về cơ bản, dựa trên những yếu tố sau: Sự sụt giảm mạnh trong khâu sản xuất sản phẩm phát thải nhiều carbon và trong công trình xây dựng cấp 3; suy giảm sản xuất công nghiệp (ô tô, hóa chất); tiến độ xây dựng chậm lại, làm giảm đầu tư vào dự án, mất cơ hội đầu tư vào hiệu quả năng lượng; giảm nhập khẩu, nhất là nhiên liệu hóa thạch, mà không bù đắp được cho sự sụt giảm này”. Theo nghiên cứu, tình trạng này sẽ gây ra “sự thu hẹp hoạt động kinh tế”, khiến tỷ lệ “thất nghiệp tăng lên, làm giảm thu nhập khả dụng”. Chưa kể, nghiên cứu nhận định rằng: “Dù hóa đơn năng lượng và giá đang theo chiều giảm, chúng cũng không có đủ tác động để ngăn chặn tình trạng sụt giảm sức tiêu thụ, tác động tiêu cực lên sản xuất”. Theo kết luận của ADEME: “Tất cả các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng, bao gồm cả ngành xây dựng công trình cấp 3”. Và hiện nay, 6 tháng sau bài nghiên cứu, hóa đơn năng lượng đã tăng gấp 5 – 6 lần, khiến tình hình việc làm và nền kinh tế trở nên gay gắt hơn.

Ngọc Duyên

Nguồn:https://petrotimes.vn/nang-luong-xanh-gay-that-nghiep-nghiem-trong-tai-chau-au-677180.html