Nếu cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay được coi là tồi tệ, thì việc
Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống COVID-19 gần đây có thể gây ra
một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tệ hơn vào năm 2023, theo
Fortune.
Kể từ khi Nga xâm
lược Ukraine vào tháng 2, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đối mặt
với hóa đơn năng lượng ngày càng tăng do sự cắt giảm đột ngột của các
chuyến tàu vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga ra nước ngoài. Các
quốc gia đã tiến hành điều phối năng lượng và tăng cường dự trữ trước
mùa đông đến, khi nhu cầu năng lượng đạt đỉnh trong năm.
Cho
đến nay, họ phần lớn đã thành công. Dù được nhận định là có nguy cơ cao
xảy ra khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt
của Nga trước xung đột, châu Âu được giám đốc IEA Fatih Birol nhận xét
là đã thoát khỏi sự lệ thuộc đó trong mùa đông này khi khí hậu chưa khắc
nghiệt cho tới thời điểm hiện tại.
Nhưng
thành công đó cũng là do nhu cầu năng lượng yếu đi và nền kinh tế trì
trệ của Trung Quốc trong năm nay do chính sách “zero COVID”. Cam kết của
Trung Quốc trong việc loại bỏ COVID đã trở thành cứu cánh cho các chính
phủ châu Âu, nhưng khi quốc gia này hướng tới việc mở cửa trở lại vào
năm 2023, châu Âu có thể sẽ không còn an toàn.
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Tổng
nhu cầu năng lượng của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng tương đương 3,3
triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm tới, trong khi nhu cầu năm 2022 gần như
không đổi, theo báo cáo triển vọng năng lượng mới nhất của S&P
Global công bố hôm thứ Hai. Con số này sẽ chiếm 47% tổng mức tăng trưởng
nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm tới.
Chuyên
gia Dan Klein tại S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Nhu cầu
yếu do phong tỏa vào năm 2022 là một chốt an toàn quan trọng đối với
thị trường dầu mỏ, khí đốt và than đá, trong khi châu Âu tìm cách thay
thế năng lượng của Nga”.
“Sau
một năm tiếp tục tiêm chủng và sự thất vọng ngày càng gia tăng đối với
các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc, các hạn chế có thể sẽ giảm bớt phần nào
vào năm 2023 và việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ tăng trở
lại”, ông nói thêm.
Kinh tế Trung Quốc đứng yên
Sau
nhiều năm tăng trưởng liên tục, năm 2022 chứng kiến mức tiêu thụ điện
của Trung Quốc lần đầu tiên giảm do nhiều nhà máy không hoạt động trong
thời gian phong tỏa và các hoạt động kinh tế nói chung chậm lại.
Nhập
khẩu LNG tích lũy của Trung Quốc đã giảm 20,2% trong 9 tháng đầu năm
2022 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan, và châu Âu đã tận
dụng tối đa các nguồn cung sẵn có. Trong mùa hè, Trung Quốc thậm chí đã
bán lại lượng khí tự nhiên hóa lỏng dư thừa của mình cho châu Âu do nhu
cầu yếu trong nước.
Báo
cáo của S&P cho biết: “Nếu không nhờ việc nhu cầu giảm xuống, giá
của tất cả các mặt hàng chắc chắn sẽ cao hơn. Nguồn cung năng lượng
không được Trung Quốc hấp thụ được chuyển sang các khu vực khác, nổi bật
là LNG được đưa tới châu Âu”.
Nhưng
với mùa đông sắp đến và nền kinh tế Trung Quốc dường như vừa thức dậy
sau giấc ngủ say, châu Âu có thể sẽ không thể trông chờ vào nhu cầu năng
lượng thấp ở quốc gia này lâu hơn nữa.
Nhu cầu năng lượng hồi phục
Vào
tháng 10, Trung Quốc đã tạm dừng việc bán lại LNG ra nước ngoài để củng
cố nguồn cung năng lượng trong nước trước mùa đông. Nhưng sự đảo ngược
thực sự trong triển vọng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2023
có thể đã xảy ra vào đầu tháng này, khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu từ
từ hủy bỏ các biện pháp chống COVID-19 đã kìm hãm nền kinh tế của đất
nước kể từ khi đại dịch bắt đầu
Trong
tháng này, một số thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện các bước để nới
lỏng các yêu cầu xét nghiệm COVID và các quy tắc cách ly sau các cuộc
biểu tình trên toàn quốc chỉ trích việc phong tỏa và kỳ vọng tăng trưởng
kinh tế trì trệ. Các chính sách hiện đang bị loại bỏ bao gồm xét nghiệm
hàng loạt trên toàn thành phố trong trường hợp có số ca nhiễm tăng cao
và yêu cầu nhập viện và cách ly đối với những người có triệu chứng nhẹ
hoặc không có triệu chứng.
Theo
S&P, bất chấp số ca COVID đang leo thang, Trung Quốc có thể tiếp
tục nới lỏng chính sách zero COVID trong năm 2023, đưa tiêu thụ năng
lượng quay trở lại “con đường tăng trưởng”.
Trong
khi đó, ở châu Âu, triển vọng cho năm 2023 ngày càng trở nên mờ mịt khi
các tổ chức quốc tế từ IMF và OECD đến Giám đốc điều hành J.P. Morgan
Change Jamie Dimon đã cảnh báo rằng trận chiến thực sự không phải là năm
nay, mà là vào mùa thu và mùa đông năm 2023, khi nguồn cung cấp khí đốt
tự nhiên của Nga sẽ còn hạn chế hơn nữa và sự cạnh tranh từ Trung Quốc
gia tăng.
S&P
cảnh báo rằng nguồn cung khí đốt tự nhiên, than đá và dầu mỏ sẽ vẫn
khan hiếm vào năm 2023, và thúc giục các quốc gia dễ bị ảnh hưởng phải
chuẩn bị trước.
Đỗ Khánh
Nguồn:https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/nang-luong-toan-cau-nam-2023-se-ra-sao-khi-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-673771.html