Nâng dự báo nhu cầu dầu: Chiêu bài không còn tác dụng

Tuần trước, cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều nâng dự báo nhu cầu dầu của họ, với lý do mức tiêu thụ kỷ lục của Trung Quốc và nền kinh tế kiên cường, theo Oil Price.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những người tham gia thị trường dầu tập trung vào lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ, dữ liệu kinh tế và nhà máy lọc dầu của Trung Quốc yếu hơn, và sự sụt giảm đầu tiên trong doanh số bán lẻ của Mỹ trong 7 tháng. Tâm lý tiêu cực vẫn tiếp tục kéo dài và kéo giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua.

Dầu WTI trượt xuống dưới 75 USD/thùng và giá dầu Brent giảm xuống dưới 80 USD/thùng đã khiến các nhà phân tích nghiêng về khả năng Ả Rập Xê-út có thể tiếp tục duy trì mức cắt giảm tự nguyện bổ sung 1 triệu thùng/ngày vào đầu năm tới.

Ả Rập Xê-út và OPEC coi tâm lý tiêu cực đã bị “phóng đại” và những lo ngại hiện tại về nền kinh tế là “thổi phồng quá mức”.

OPEC cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu vẫn mạnh, với việc nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng lên kỷ lục mới vào năm 2023.

Trước đó vài ngày, Bộ trưởng năng lượng của Ả Rập Xê-út cho biết nhu cầu dầu tiếp tục mạnh và đổ lỗi cho các nhà đầu cơ khiến giá dầu giảm.

Trong khi đó, IEA cho biết trong báo cáo được xuất bản hàng tháng trong tuần trước rằng tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục ở mức cao trong tháng 9, với nhu cầu của Trung Quốc đạt kỷ lục là 17,1 triệu thùng/ngày.

Do nhu cầu hàng tháng của Trung Quốc vươn lên cao nhất mọi thời đại và mức tiêu thụ ổn định ở Mỹ, cơ quan này đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 lên 2,4 triệu thùng/ngày, tăng từ mức tăng trưởng 2,3 triệu thùng/ngày dự kiến trong báo cáo tháng 10.

Năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 1,8 triệu thùng/ngày trong tổng mức tăng trưởng 2,4 triệu thùng/ngày, điều sẽ nâng tổng nhu cầu toàn cầu lên 102 triệu thùng/ngày, theo ước tính của IEA.

Tuy nhiên, dữ liệu về nhập khẩu dầu thô thực tế ở Trung Quốc và phần còn lại của châu Á trong năm nay đã cho thấy nhu cầu có thể yếu hơn so với dự báo của IEA, nhà báo Clyde Russell của Reuters lưu ý.

Theo ước tính của ông Russell, tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc có thể sẽ gần hơn với ước tính của OPEC là 1,14 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và nền kinh tế Mỹ đã kéo giá dầu giảm kể từ tháng 10, sau khi tăng vọt vào cuối mùa hè sau khi Ả Rập Xê-út bắt đầu tự nguyện cắt giảm.

Tuần này, dữ liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động lọc dầu chậm lại trong tháng 10 do sản lượng dầu thô cao kỷ lục trong tháng 9, trong khi biên lợi nhuận lọc dầu suy yếu và một số nhà máy lọc dầu độc lập đã hết hạn ngạch nhập khẩu dầu thô.

Lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục là mối lo ngại vì nó đang cản trở sự phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, doanh số bán lẻ của Mỹ đầu tiên giảm kể từ tháng 3 đã làm tăng thêm mối lo ngại về chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế, càng gây áp lực lên tâm lý thị trường.

Ngoài ra, nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất ngoài OPEC+, dẫn đầu là Mỹ, cao hơn dự báo, cho thấy thặng dư thị trường vào đầu năm tới và tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc gia hạn cắt giảm của Ả Rập Xê-út và Nga sang năm 2024.

Đỗ Khánh

 

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nang-du-bao-nhu-cau-dau-chieu-bai-khong-con-tac-dung-699756.html