Nam Phi: Ai đang đe dọa quá trình chuyển dịch năng lượng?

Vào hôm 10/2, tổ chức dữ liệu phi chính phủ InfluenceMap (Vương quốc Anh) đã tố cáo những gã khổng lồ của ngành công nghiệp Nam Phi về việc “gây nguy hiểm” cho quá trình chuyển dịch năng lượng của châu Phi, bằng cách tiếp tục bảo vệ nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt tự nhiên.

Nam Phi: Ai đang đe dọa quá trình chuyển dịch năng lượng?

Trong bài báo cáo, InfluenceMap đã xem xét chính sách khí hậu của 16 công ty có trụ sở chính ở Nam Phi, và 12 hành lang công nghiệp. Trong cuộc phỏng vấn với tổ chức, gần 3/4 số công ty cho biết họ ủng hộ quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo của Nam Phi, nhưng đồng thời họ vẫn “tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ vai trò của than”, cũng như của ngành khai thác mỏ quặng.

Đây cũng là thực trạng đối với hai nguồn lực lớn của nền kinh tế, kiêm đối tượng gây ô nhiễm nhiều nhất của cường quốc công nghiệp hàng đầu châu Phi: Công ty điện lực Eskom và công ty hóa chất Sasol. Theo đó, Eskom đáp ứng 90% nhu cầu điện năng của Nam Phi, nhưng họ sử dụng than đá. Còn Sasol thì bảo vệ việc sử dụng khí đốt tự nhiên.

Theo InfluenceMap, xu hướng của hai gã khổng lồ này “gây nguy hiểm cho các mục tiêu khí hậu của đất nước”. Nam Phi thường xuyên nằm trong bản xếp hạng 15 quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính nhất trên hành tinh. Tổ chức phi chính phủ này cũng cáo buộc chính phủ đưa ra những biện pháp “không đủ nghiêm ngặt” về khí hậu.

Đặc biệt, InfluenceMap cho rằng Eskom và Sasol đang cố gắng tận dụng những lỗ hỏng của chính sách thuế carbon – một chính sách dùng để trừng phạt những nhà phát thải lớn. Vào năm 2019, Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên trên lục địa áp dụng một biện pháp như vậy. Tuy vậy, chính sách này mất đi sức nặng vì quyết định giảm thuế của Nam Phi.

Do đó, InfluenceMap nhất mạnh: “Tạo khuôn khổ chính sách khí hậu cho các công ty Nam Phi là điều rất quan trọng, nhằm mở đường cho đất nước hướng tới mục tiêu trung hòa carbon".

Tại COP26, Nam Phi là quốc gia đầu tiên tham gia vào chương trình “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP). Chương trình được thực hiện nhờ nguồn hỗ trợ tài chính từ những nước giàu. Indonesia và Việt Nam cũng đã tham gia vào JETP. Tại sự kiện COP27, kế hoạch đầu tư 98 tỷ USD vào Nam Phi đã được thông qua.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, Nam Phi sẽ cần ít nhất 500 tỷ USD để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Cường quốc công nghiệp hàng đầu của châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đẩy 60 triệu người dân Nam Phi vào tình trạng mất điện nghiêm trọng và liên tục.

Eskom, vốn đang chịu nợ nần chồng chất vì nhiều năm quản lý yếu kém và tham nhũng, đang phải đối mặt với vấn đề hệ thống nhà máy điện xuống cấp và thường xuyên bị hỏng hóc.

 

Ngọc Duyên

Nguồn:Nam Phi: Ai đang đe dọa quá trình chuyển dịch năng lượng? (petrotimes.vn)